Đại Kỷ Nguyên

Cốc trà ‘đắng’, đĩa trầu polymer giữa hội Lim làm rầu lòng du khách

Một du khách thả tờ tiền trị giá 50.000 đồng vào đĩa của liền chị. (Ảnh: Danh Trọng)

Trong ngày khai hội Lim, nhiều du khách yêu quan họ và nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất “vốn trọng chữ tình” Bắc Ninh không khỏi rầu lòng khi chứng kiến giá một cốc trà đá lên tới 10.000 đồng hay cảnh các liền anh liền chị “ngửa đĩa nhận tiền”.

Ngay từ sáng sớm ngày 28/2, dòng người từ khắp các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội đã đổ về chơi hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh), theo Người Lao Động.

Tuy nhiên, nhiều du khách đã bức xúc đến Ban tổ chức (BTC) để phản ánh tình trạng “chặt chém”.

“Ngay khi bước chân xuống hội, đoàn chúng tôi đã bị ‘choáng’ khi uống 1 cốc trà mà lấy đến tận 10.000 đồng. Chúng tôi muốn bảo tồn màu sắc của lễ hội phi vật thể, thế nhưng cách thức bảo tồn như thế này thì quá thất vọng”, một du khách đến từ Hải Phòng bức xúc.

Hàng vạn du khách đổ về hội Lim. (Ảnh: Người Lao Động)

Không chỉ nước uống, rất nhiều các dịch vụ khác nhân dịp này cũng tranh thủ đẩy giá lên cao như 3.000 đồng/lượt đi vệ sinh “nhẹ”, 10.000 đồng/lượt đi vệ sinh “nặng”, 20.000 đồng/lượt gửi xe…

Những dịch vụ này không mất nhiều chi phí đầu tư nhưng lại thu lời lớn bởi đều đánh vào nhu cầu bắt buộc của người dân khi đến trẩy hội.

Lý giải về việc này, ông Lưu Đắc Hùng, thành viên Ban chỉ đạo Hội Lim, phân trần: “Thứ nhất, hội do dân tổ chức, huyện chỉ đứng ra quản lý lễ hội chứ không đứng ra tổ chức. Thứ hai, không có huyện nào lại cho phép người dân làm như vậy. Đối với tất cả các gian hàng bán hàng xung quanh hội Lim, giao cho thị trấn Lim trực tiếp ký cam kết với các chủ gian hàng”.

“Đặc sản” của hội Lim là các màn hát quan họ. Luôn có rất đông du khách tập trung trước sân khấu chính của lễ hội ở khu vực đồi Lim. (Ảnh: Dân Trí)

Trước đó, huyện đã có yêu cầu phải bán đúng theo mặt hàng quy định, niêm yết giá công khai với những mặt hàng, mỗi gian hàng phải để một sọt rác để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nếu trường hợp vi phạm, khi được nhân dân phản ánh cụ thể gian hàng nào, ở vị trí nào sẽ cho người xuống kiểm tra.

Ban chỉ đạo huyện đã thành lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh thực trạng lễ hội được kịp thời, chính xác. Trong trường hợp quan trọng, nhân dân có thể trực tiếp phản ánh với công an tại các địa điểm xung quanh lễ hội hoặc phản ánh trực tiếp với Ban tổ chức.

Không chỉ vừa đến hội đã… mua bực vào người vì bị chặt chém, mà nhiều người phải chứng kiến cảnh trao, nhận tiền diễn ra ngay trong không gian văn hóa truyền thống.

Mặc dù quy định của BTC cấm các liền anh, liền chị hát tại các khu vực không được nhận tiền của du khách nhưng thực tế tại các điểm hát quan họ, các liền anh, liền chị vẫn vô tư ngả nón, đĩa nhận tiền “lì xì” của du khách, theo Tuổi Trẻ.

Trên thuyền rồng dạo quanh hồ, liền anh đóng khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bẩy chèo thuyền hát quan họ. Trong lúc các liền anh, liền chị hát thì một liền chị tay cầm đĩa mời trầu và vô tư nhận tiền khi du khách thả tiền vào đĩa.

Tại một số điểm hát, liền anh, liền chị chủ động đứng đậy ngả nón, đĩa xin tiền. (Ảnh: Danh Trọng)

Trả lời về hiện tượng này, ông Hùng lý giải: “Thực ra, du khách đến với hội Lim, họ thấy hay và tự người ta cho tiền chứ không phải là anh em tự nhiên chìa tay ra để người ta cho tiền. Đó là ý thức người dân chứ không phải do anh em người ta như vậy”.

Người dân tặng đoàn hát tiền có mệnh giá phổ biến từ 20.000 đồng – 100.000 đồng. (Ảnh: Người Lao Động)

Vị này cũng cho biết, năm nay, BTC có thay đổi rõ hơn là kết hợp ký cam kết, đưa ra trong nội quy, quy định chung còn dán bảng nội quy niêm yết tại các trại hát để người dân tự biết rằng quy định của BTC là cấm điều đó, để người dân tự giác thực hiện.

Còn hiện tượng “ngả nón xin tiền” có thể xảy ra vào thời gian hết giờ hoặc ở khu vực ngoài, còn riêng ở khu vực trung tâm hầu như không có.

Thế Tam

Exit mobile version