Khi đề xuất để cán bộ, công viên chức làm việc tại nhà được đưa ra bàn thảo, lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ngày 14/11, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức trong một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, nhằm tiết kiệm chi phí cho cơ quan, bớt công sức và thời gian đi lại, giảm áp lực giao thông…
Đề xuất hay…
Tranh luận về vấn đề này, nhiều người đồng ý làm việc tại nhà không còn là xu hướng mới ở một số doanh nghiệp trong thời đại công nghệ thông tin phổ biến như hiện nay. Do đó, việc để cho các cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà cũng không phải là điều khó hiểu.
Tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Ấn Độ…, việc nhân viên hành chính được làm việc từ xa đã được triển khai từ lâu. Đương nhiên, số nhân viên hành chính Nhà nước làm việc tại nhà so với số nhân viên tại các khu vực kinh doanh thương mại sẽ ít hơn, nhưng lại có tỷ lệ tăng cao theo từng năm và cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ.
Nhân viên hành chính tại một số bộ phận ở các nước này thông qua mạng điện tử, viễn thông, có thể ngồi tại nhà làm việc và mọi thao tác đều được thực hiện thông qua nền tảng điện tử viễn thông.
Tuy nhiên, việc cán bộ công chức, viên chức làm việc tại nhà chỉ nên áp dụng với những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất tốt, tinh thần trách nhiệm cao, kèm theo đó là những công việc dễ dàng kiểm soát về hiệu quả và chất lượng.
Nhiều người đồng tình cho biết, việc các nhân viên hành chính được làm việc từ xa không còn là mới lạ ở các nước phát triển như Đức, Ấn Độ, Nhật Bản… Và ở Việt Nam, hoàn toàn có thể học tập theo các nước này nếu muốn hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Nói thì dễ… nhưng làm thì nhiều vấn đề
Theo quan điểm của ông Phúc, để có thể thí điểm cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà, cần có sự đồng bộ từ hệ thống công nghệ, phương tiện cho đến con người. Mà theo ông, ở Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng được các yêu cầu này.
Nhận định về ý kiến này của đại biểu Huy Hiểu, ông Diệp Văn Sơn – nguyên cán bộ của Bộ Nội vụ cho rằng, đề nghị trên là phù hợp với xu hướng thời đại, nhưng đối với thực trạng của các cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện nay, thì việc làm trên không khác nào “thả hổ về rừng”.
Trao đổi thêm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết, trong một số trường hợp, việc làm việc tại nhà sẽ cho năng suất cao hơn do không chịu các áp lực về mặt tâm lý. Tuy nhiên, không phải lúc nào hiệu quả công việc cũng có thể đạt được, do ảnh hưởng của các yếu tố từ gia đình, bạn bè, chưa kể việc nảy sinh thêm tiêu cực trong giới công chức….
Ý kiến cư dân mạng
Ngay sau khi đề xuất trên được đưa lên mặt báo, cư dân mạng đã nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với việc các cán bộ, công chức, viên chức được làm việc theo như đề xuất.
Bên cạnh đó, nhiều người còn có phản ứng gay gắt hơn vì cho rằng, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đến cơ quan chỉ để chấm công, uống trà và làm việc riêng thì đề xuất đưa việc về nhà là bất khả thi.
Nhiều người còn hài hước chia sẻ, nếu dự luật này được thông qua, buổi sáng các quán ăn sáng, quán cafe sẽ đông thêm khách vì có mặt của các cán bộ, công chức, viên chức được làm việc tại nhà.
Kết luận
Không thể nói rằng đề xuất của đại biểu Duy Hiểu là một dự án tồi, bởi lẽ, nếu đủ cơ sở để thông qua dự án này, nhà nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, cũng như giúp giảm thiếu áp lực tâm lý lên các cán bộ, công chức, viên chức để các cán bộ này có thể làm việc một cách hiệu quả và hợp lý hơn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại hiện trạng làm việc tại nước ta hiện nay, khi đại bộ phận các cán bộ, công chức, viên chức còn chưa thực sự chủ động trong công việc, vẫn tranh thủ làm việc riêng trong giờ hành chính, coi nhũng nhiễu dân lành là chuyện … cơm bữa thì đề xuất trên quả là “nhiệm vụ bất khả thi”.