Đại Kỷ Nguyên

Cộng đồng mạng nói gì về đề xuất cấm bán rượu bia trên mạng internet của Bộ Y tế?

Đề xuất “cấm bán rượu, bia qua internet” trong dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu, bia do Bộ Y Tế soạn thảo đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Người ủng hộ thì đề xuất quyết liệt “cấm luôn thôi”, nhưng ý kiến ở chiều ngược lại thì cho rằng, đây là quy định “áp đặt, vô lý”.

Thực tế, với thị trường thương mại điện tử phát triển bùng nổ trong vài năm trở lại đây, các website, Facebook, trang bán hàng… xuất hiện nhiều quảng cáo, rao bán bia rượu. Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh online mặt hàng này vẫn là bài toán khó với cơ quan quản lý.

Nhiều người dân đã đưa ra ý kiến về tính khả thi, có nên hay không áp dụng việc biện pháp không cho đăng tải hình ảnh, quảng cáo, mua bán rượu bia trên mạng internet. Tuy nhiên, chín người mười ý. Có nhiều ý kiến cho rằng việc cấm mua bán rượu bia giúp xã hội giảm bớt các hệ lụy, tệ nạn, nhưng có ý kiến khẳng định, Bộ Y tế đang đi vào ngõ cụt, thể hiện sự bất lực trong điều hành, do vậy “không quản được thì cấm”.

Chị Thảo Ly (quận Hoàng Mai, Hà Nội) – chủ một shop hàng online chia sẻ: “Tôi nghĩ rượu cũng như những mặt hàng khác, nếu đã cho lưu hành sao lại cấm bán qua internet. Điều này khiến nhiều người kinh doanh sẽ gặp khó khăn”.

Chị Thanh Trà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) – chủ một đại lý bánh kẹo rượu có mở shop bán online, thắc mắc: “Nếu đã cho bán ở cửa hàng công khai thì tại sao lại cấm bán bia rượu trên internet?”

Nhiều độc giả của Báo VnExpress cũng đưa ra bình luận về lệnh cấm này:

“Nếu cấm thì phải cấm kinh doanh, chứ việc cho phép bán bằng hình thức này cho cấm hình thức khác như vậy là không công bằng và vi phạm tự do thương mại”- độc giả Duy Anh Trần đưa ra ý kiến.

Nhiều ý kiến thắc mắc liệu lệnh cấm có vi phạm tự do thương mại. (Ảnh chụp màn hình)

Còn tài khoản Lý Cường cho rằng, lệnh cấm này thiếu khả thi, bởi “có mấy ai tiếp cận rượu từ internet đâu, và cũng chẳng có mấy ai mua rượu trên internet. Đề xuất này rõ ràng là ít có hiệu quả”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng thay vì cấm việc kinh doanh qua internet thì cần thực hiện những biện pháp khác như tăng thuế, cấm quảng cáo… sẽ giúp việc hạn chế tiêu thụ hiệu quả hơn:

“Sao phải cấm họ bán hàng nhỉ? Hàng hoá được phép lưu thông, không thuộc hàng quốc cấm thì họ bán ở đâu là do họ, miễn sao thu đủ các loại thuế, phí… Tôi nghĩ các mặt hàng rượu bia, thuốc lá nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thật cao và quản lý tốt, sẽ tăng thu ngân sách không nhỏ.” – Độc giả N.D nhận định.

Một số độc giả ủng hộ việc tăng thuế, đánh vào túi tiền của người tiêu dùng để giảm lượng tiêu thụ rượu bia. (Ảnh chụp màn hình)

Chủ tài khoản Anh Vũ đưa ra giải pháp: “Không cần cấm. Rượu, bia và thuốc lá cứ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thật cao. Cứ đánh vào túi tiền là người ta hạn chế ngay, ngân sách vẫn bội thu. Tất nhiên đi đôi với đó hành vi trốn thuế sẽ phải phạt thật nặng”.

Người dùng mạng xã hội có nick T.S.G. lại cho rằng: “Với rượu bia, nên siết chặt các hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm sao cho chỉ khi người dùng chủ động tìm kiếm mới thấy, cần ngăn các cách quảng cáo dễ khiến đối tượng không phù hợp là trẻ vị thành niên vô tình thu nhận thông tin”.

Cộng đồng mạng tranh luận trên Facebook xoay quanh chủ đề cấm quảng cáo bia rượu trên internet. (Ảnh chụp màn hình)

Báo Thanh Niên dẫn lời của bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết: Báo cáo thẩm định đối với dự án luật Phòng chống tác hại rượu hiện cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất thống nhất với quy định của dự thảo và đề nghị bổ sung mặt hàng bia vào danh mục cấm bán trên internet nhằm làm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu bia. Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc việc không hạn chế bán rượu, bia trên internet để tạo điều kiện cho người mua, người bán và phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, quy định cấm bán rượu trên mạng internet ít khả thi và cũng không đồng bộ với việc không cấm quảng cáo trên mạng internet hiện hành.

Một số quy định đáng chú ý trong Dự luật Phòng chống tác hại rượu bia:

Nghiêm cấm nội dung quảng cáo có thông tin, hình ảnh thúc đẩy uống rượu bia tạo sự thân thiện, thành đạt, trưởng thành, quyến rũ, hấp dẫn về giới tính.

Cấm quảng cáo rượu bia hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai. Các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên cũng bị cấm quảng cáo rượu, bia.

Truyền hình, phát thanh không được quảng cáo rượu, bia vào khung giờ từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày.

Quảng cáo rượu bia phải có khoảng cách tối thiểu 200 m so với các cơ sở giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Rượu bị cấm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

Không được bán rượu trên mạng Internet hay máy bán hàng tự động.

Cơ sở kinh doanh rượu, bia phải kiểm tra độ tuổi của người mua, rượu, bia để phòng ngừa bán cho trẻ em. Cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức, cá nhân không được khuyến mại rượu trực tiếp đến người tiêu dùng hoặc dùng rượu làm giải thưởng.

Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị cấm dưới mọi hình thức.

Cấm kinh doanh rượu không có giấy phép; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng; nhập lậu rượu, bia.

Cấm ép buộc trẻ em và người khác sử dụng rượu, bia; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ.

Đặc biệt, dự luật cấm sử dụng các cụm từ “rượu thuốc”, “rượu bổ”, “bổ dưỡng” hoặc cụm từ khác gây hiểu nhầm là rượu, bia tốt cho sức khỏe để đặt tên và ghi trên nhãn sản phẩm rượu, bia.

Cấm sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu, phụ gia không bảo đảm chất lượng, không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia.

(Tổng hợp)

Exit mobile version