Báo cáo mới đây của tổ chức phi lợi nhuận Oxfarm cho thấy năm 2017 là năm bùng nổ về số lượng tỷ phú. Cứ trung bình 2 ngày trên thế giới lại có thêm một tỷ phú đôla.
Theo tạp chí Sight, Oxfarm – liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công – vừa công bố báo cáo mang tên “Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàu” ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) diễn ra vào ngày 23/1.
Báo cáo cho thấy, trong vòng 12 tháng qua, tài sản của các tỷ phú đã tăng thêm 762 tỷ USD. Số tài sản này lớn gấp 7 lần số tiền đủ để có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói trên phạm vi toàn cầu.
Điều này đồng nghĩa với việc các tỷ phú chỉ cần dùng số tiền kiếm trong khoảng 2 tháng là có thể xử lý tình trạng đói nghèo trên thế giới.
Ngoài ra, báo cáo cũng hé lộ một nền kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy nhóm thượng lưu giàu có tích tụ khối lượng của cải khổng lồ. Trong khi đó, hàng triệu người dân đang chật vật để tồn tại với mức thu nhập ở dưới ngưỡng nghèo.
Mức tăng tài sản trung bình của các tỷ phú là 13% mỗi năm kể từ năm 2010 – nhanh hơn gấp 6 lần so với mức tăng lương của những người lao động bình thường (2% mỗi năm). Số lượng tỷ phú trong năm 2017 cũng tăng nhanh chưa từng thấy, trung bình cứ 2 ngày lại có thêm một tỷ phú. Hiện trên toàn thế giới có 2.043 tỷ phú, trong đó phần lớn là nam giới. Tỷ lệ tài sản mà giới thượng lưu nắm giữ cũng rất lớn và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Oxfam ước tính khoảng 2/3 tài sản của các tỷ phú là từ thừa kế, độc quyền và thân hữu. Tổ chức này dự báo trong vòng 20 năm tới, 500 người giàu nhất thế giới sẽ bàn giao lại 2,4 nghìn tỷ USD cho những người thừa kế của họ. Đây là một con số lớn hơn cả GDP của Ấn Độ, một quốc gia với 1,3 tỷ dân.
Ngược lại, hàng tỷ người dân trên toàn cầu đang buộc phải làm thêm giờ, làm việc trong điều kiện nguy hiểm nhưng vẫn không đủ khả năng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống, bao gồm cả tiền chi mua thức ăn và thuốc men. Đó là chưa kể đến việc các lao động nữ vẫn bị đối xử bất công và nhận được lương thấp hơn so với nam giới.
Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam, cho rằng: “Sự bùng nổ về số lượng tỷ phú không phải là biểu hiện của một nền kinh tế thịnh vượng mà là dấu hiệu của một hệ thống kinh tế thất bại. Những người may bộ quần áo chúng ta đang mặc, lắp ráp điện thoại chúng ta đang sử dụng bị bóc lột để đảm bảo nguồn hàng giá rẻ ổn định và tăng lợi nhuận của các tập đoàn và nhà đầu tư tỷ phú”.
Oxfam kêu gọi các chính phủ cần đảm bảo nền kinh tế mang lại lợi ích cho mọi người, chứ không chỉ vì vài người may mắn.
Nguyễn Trang