Nếu biết cách vượt lên chính mình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn có “cửa” rộng thênh thang để vào thị trường Mỹ dù có nhiều cảnh báo trước đó về những yêu cầu khắt khe ở thị trường này.
Mới đây, Công ty TNHH Bánh kẹo Á châu (ABC Bakery) ở Tp.HCM đã xuất khoảng 60.000 chiếc bánh trung thu nhân ngọt sang thị trường Mỹ để thăm dò phản ứng.
ABC Bakery vốn là một doanh nghiệp nhỏ. Sau thời gian nỗ lực đầu tư công nghệ, phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp tại thị trường Tp.HCM, doanh nghiệp này đã sở hữu quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ABC Bakery xuất khẩu bánh trung thu cao cấp sang Mỹ.
Để làm được điều đó, lãnh đạo ABC Bakery cho biết, các năm trước, bánh trung thu “Made in Vietnam” có mặt tại thị trường Mỹ chủ yếu là dòng giá rẻ. Điều này khiến người tiêu dùng Mỹ cho rằng bánh Việt Nam là loại bình dân, chuyên bán ở quầy “mua 1 tặng 1”, trong khi bánh của Hồng Kông, Malaysia, Singapore… luôn được đánh giá cao hơn.
Không hài lòng khi bánh trung thu Việt Nam bị đánh giá thấp, lãnh đạo ABC Bakery đã gửi bánh qua Mỹ cho doanh nghiệp dùng thử với những dòng cao cấp mới. Họ bất ngờ về chất lượng nên thúc giục doanh nghiệp này làm thủ tục để xuất khẩu.
Từ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp bánh kẹo của mình và nay đã có thể xuất khẩu vào thị trường cao cấp như Mỹ, ông chủ ABC Bakery cho rằng các doanh nghiệp Việt cần cải tiến về tư duy nếu muốn cải tiến về hoạt động sản xuất.
Hơn nữa, theo lãnh đạo ABC Bakery, các doanh nghiệp nội cần chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, hạn chế sức lao động con người. Mặt khác, bên cạnh chất lượng sản phẩm là tiêu chí được đặt lên hàng đầu, doanh nghiệp cần đầu tư chú trọng về hình thức bao bì sản phẩm.
Cũng theo ông chủ ABC Bakery, “cửa” để vào thị trường Mỹ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn rộng thênh thang nếu biết cách vượt lên chính mình.
Theo Thời báo kinh doanh, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nửa đầu năm nay vẫn khả quan bất chấp những cảnh báo trước đó về những yêu cầu khắt khe của thị trường này khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nổ ra. Cụ thể, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của ông Mark Gillin, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Tp.HCM, thị phần của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực ASEAN.
Theo ông Mark, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Mỹ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng như hiện này.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nhỏ tham gia nhiều hơn vào xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường Mỹ thì nhất quyết phải trở thành nhà cung ứng đủ điều kiện đối với các công ty Mỹ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ trong ngành thực phẩm xuất khẩu vào Mỹ cần quan tâm đến Luật Hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA) được áp dụng từ năm 2016, đưa ra nhiều yêu cầu khá nghiêm ngặt.
Nếu không cung cấp được các chứng nhận đảm bảo theo các quy định của FSMA, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nguy cơ cao bị trả về hoặc bị thu hồi tiêu hủy.
Liên quan đến tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho rằng do đây là hai đối tác thương mại hết sức quan trọng của Việt Nam, nên tác động của cuộc chiến đương nhiên sẽ liên quan tới Việt Nam.
VOV dẫn lời Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết nếu Việt Nam củng cố được nội lực của mình, tăng cường được tính tự chủ của nền kinh tế thì sẽ giảm được tác động tiêu cực của cọ xát kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vỹ An