Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 49 vẫn được thực thi dù các nhà mạng đã xin lùi thời hạn để khách hàng bổ sung thông tin. Và như vậy, nhà mạng vẫn phải cắt liên lạc một chiều đối với các thuê bao chưa cung cấp đủ thông tin.
Đến ngày 24/4, theo con số mà các nhà mạng chia sẻ thì vẫn còn khoảng 30 triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân. Các nhà mạng đã huy động toàn bộ nhân viên và các đại lý ủy quyền mở điểm đăng ký thông tin đến tận đêm nhưng toàn bộ hệ thống này đang quá tải.
Như vậy, đến hết ngày 24/4, số thuê bao này chắc chắn không thể thực hiện đăng ký xong thông tin cá nhân, theo ICTnews.
Được biết, tuy 24/4/2018 là hạn chót để các thuê bao đăng ký lại thông tin cá nhân nhưng số lượng người đi đăng ký lại giảm hơn so với những ngày trước đó.
Một cửa hàng của Viettel tại Hà Nội cho hay, mấy ngày trước có khoảng 500 người đến đăng ký thì hôm nay dự kiến chỉ có khoảng 200 người đến đăng ký lại thông tin cá nhân.
Nguyên nhân được cho là tâm lý khách hàng chững lại sau khi truyền thông đưa tin các nhà mạng vẫn chưa cắt liên lạc của thuê bao chưa đăng ký thông tin sau ngày 24/4.
Một nhà mạng lớn cho biết, đã gửi văn bản báo cáo lên Cục Viễn thông về vấn đề này và xin được lùi thời hạn áp dụng Nghị định 49 của Chính phủ đang quy định hạn chót là ngày 24/4/2018.
Tuy nhiên, Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 49 vẫn được thực thi và ngày 24/4/2018 là mốc thời gian doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 49.
Còn việc tạm dừng, chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao sẽ chỉ được thực hiện nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình như mô tả tại Điểm e, Khoản 8, Điều 1 của Nghị định 49.
“Việc tạm dừng, chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao sẽ chỉ được thực hiện nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình được quy định tại Điểm e, Khoản 8, Điều 1 của Nghị định 49.
Theo đó, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.
Sau ngày này mà thuê bao không đăng ký lại thông tin cá nhân thì nhà mạng sẽ phải cắt một chiều (chiều đi). Thời gian cắt liên lạc 1 chiều là 15 ngày và sau đó sẽ cắt liên lạc 2 chiều (cả chiều gọi đi và đến) của thuê bao với thời gian là 15 ngày nữa. Sau 1 tháng kể từ khi cắt 2 chiều mà thuê bao vẫn không đi đăng ký lại thông tin cá nhân sẽ bị chấm dứt hợp đồng và thu hồi số điện thoại theo đúng quy định”, đại diện Cục Viễn thông nói.
“Nếu nhà mạng chưa thông báo qua SMS cho khách hàng thì không được quyền cắt liên lạc của thuê bao” đại diện Cục Viễn thông nói thêm.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 49 đã được ban hành từ năm 2017. Thế nhưng, nhà mạng đã không tích cực thông báo sớm cho khách hàng để đến thời hạn chót thông báo, dẫn tới tình trạng khách hàng đổ xô đi đăng ký lại thông tin cá nhân, hệ thống bị quá tải.
Theo đại diện Cục Viễn thông, mốc 24/4/2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49 với cơ quan quản lý nhà nước.
Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.
Thế Tam