Nhờ nhan sắc trời sinh, Ba Trà đã làm gục ngã không biết bao nhiêu gã đàn ông si tình, từ bậc quan quyền, công tử, cho đến các tay chơi đào hoa khét tiếng Nam Kỳ… Buồn thay, câu nói hồng nhan bạc phận đã ứng lên người, cuối đời, người đàn bà đẹp lại rơi vào cảnh túng quẫn, cô quạnh, không chồng con, không người thân.
Mộng phù hoa, bộ phim truyền hình dựa theo cuộc đời có thật của cô Ba Trà, ‘đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn’ những năm 30 – 40 của thế kỷ 20.
Cô Ba Trà (tên thật là Trần Ngọc Trà) sinh năm 1906, được mệnh danh là “ngôi sao Sài Gòn”. Cánh báo chí, nhà văn từng tốn biết bao giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của cô: “Cô ấy đẹp lắm”, “đẹp đổ quán xiêu đình”, “đài các như một bà hoàng”… Vẻ đẹp đó làm mê hoặc bất cứ người đàn ông nào, từ các bậc công tử, quan quyền, văn nhân lục tỉnh cho đến các tay chơi hào hoa khắp miền Nam.
Tuổi thơ nhiều nước mắt
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo Cần Đước, Long An, Ba Trà từng trải qua tuổi thơ nhiều vất vả, những năm tháng chỉ biết đi chân trần, bắt ốc, hái rau, gánh nước…
Nỗi đau từ đòn roi của cha
5 tuổi, Ba Trà đã phải sớm hứng chịu sự hắt hủi và đòn roi từ cha, bởi sự ghen tuông và nghi ngờ của ông, cho rằng cô không phải là con ruột.
Một lần nọ, khi tận mắt chứng kiến vợ và tình cũ gặp gỡ, ông đã căm phẫn đến độ đột quỵ và đột ngột qua đời. Bà nội Trà đau xót trước cái chết của con trai nên khi vừa đưa tang con xong, bà cũng mất theo.
Chứng kiến điều đó, người bác ruột đã viện cớ để liên tục sỉ nhục, lăng mạ mẹ của Trà, khiến bà không chịu nổi phải bế con ra khỏi nhà, về quê ngoại tá túc.
… đòn roi của chính mẹ ruột
Dường như, đau thương, tủi nhục đã khiến mẹ Ba Trà trở nên chai sạn, bấn loạn. Mỗi lần lên cơn, bà lại lấy Trà ra làm nơi trút giận cho “hả lòng hả dạ”.
Trà đau đớn khi hứng chịu những trận đòn cùng những lời mắng nhiếc “đánh cho tiệt nòi giống đoản hậu” từ chính người mẹ đẻ của mình.
Nỗi đau vì đòn roi là một, thì nỗi đau trong tâm hồn thơ bé lại hằn lên bội phần. Ký ức về tuổi thơ càng thêm u buồn và tăm tối. Sau này, ngay cả khi đã trở thành một Hoa khôi Nam Kỳ, cô vẫn chưa thể quên được.
Thiếu nữ xinh đẹp sớm theo chồng bỏ cuộc chơi
Dù cuộc sống nhiều vất vả, nhưng Ba Trà sớm trở thành thiếu nữ xinh đẹp.14 tuổi, Ba Trà sở hữu đôi mắt to đen, làn da mịn màng cùng khuôn mặt ưa nhìn.
Để cuộc sống bớt khó khăn, mẹ Trà đã đem gả con gái cho một viên quan người Pháp tuổi gần gấp ba con mình. Cuộc sống với viên quan không kéo dài được bao lâu, do ông ta mãn hạn phải về xứ.
Số phận “hồng nhan bạc phận”
15 tuổi, Trà quay trở về sống với mẹ khi đã có một đời chồng và tiếp tục làm nghề bán hàng rong kiếm sống. Cuộc sống vất vả không làm nhan sắc cô mòn đi. Trong những ngày tháng bán hàng rong, Trà được gặp người con trai đầu tiên mà cô thật sự đem lòng yêu, đó là công tử tên Toàn, gia đình có cửa hàng buôn bán tạp hoá lớn tại Phan Rang, Nha Trang và một tiệm chính tại Chợ Lớn.
Cha Toàn có ba người vợ, một Tàu, trông coi tiệm chánh tại Chợ Lớn và hai người vợ Việt trông tiệm ở tỉnh. Do đó, Toàn có dịp ra vào Nha Trang, Phan Rang, Sài Gòn thường trực. Anh nổi tiếng là công tử ăn chơi lịch lãm, ăn mặc thời thượng, khiến dân buôn bán, đàn anh chị đứng bến xe đều phải kiêng nể.
Lần đầu gặp Ba Trà, Toàn đã say mê rồi thường xuyên gửi thư tình cho cô. Ba Trà vốn ngây thơ nên có thư ai gửi cho cũng đem về đưa cho mẹ đọc không sót một cái nào.
Ít bữa sau, cha mẹ Toàn từ Phan Rang đến nhà mẹ Trà xin cưới cô cho Toàn. Từ đó cô về làm dâu một gia đình người Tiều, ăn ở theo phong tục người Hoa. Song chẳng ngờ, công tử Toàn lại là người cả thèm chóng chán.
Mới vài tháng sau khi cưới vợ, Toàn đi lại với một nữ y tá. Ba Trà ghen nên gặp cô y tá đã làm một trận gây gổ với cô ta. Không những không bênh vực vợ mà Toàn tỏ ra lạnh lùng, vô trách nhiệm. Chán ngán cảnh chung chồng, bị coi thường, Trà đã tìm cách trốn gia đình Toàn để về với mẹ.
Bước chân sa ngã
Năm 18 tuổi, Trà được giới thiệu và trở thành người tình của vị bác sĩ đứng tuổi Trần Ngọc Án. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng nhanh chóng kết thúc do Ngọc Trà chưa quên được công tử Toàn.
Cũng từ đó, Ba Trà bắt đầu lao vào ăn chơi. Bà cặp kè với những hạng người thuộc giới thượng gia. Trong số những gã trai si tình có vài người sành đời, nhất là sành đời trong chốn ăn chơi trác táng đã xúi Ba Trà bỏ khu ổ chuột để bước ra chốn ánh sáng phù hoa. Kết quả là Ba Trà được một ả đàn bà dẫn dắt đi vào con đường bán sắc buôn hương.
Với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của mình, cô lần lượt “đốn ngã” hàng loạt những tay chơi hào hoa, giàu có bật nhất Sài Gòn, trong đó có cả Công tử Bạc Liêu ăn chơi khét tiếng.
Học giả Vương Hồng Sến, người cũng từng si mê nhan sắc của Ba Trà, đã viết trong cuốn “Sài Gòn tả pí lù” rằng: “… những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp… Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”.
Họ sẵn sàng cung phụng, yêu chiều “Hoa khôi Sài Gòn” trong suốt thời gian xuân thì đẹp nhất. Có điều, số tiền được người khác chu cấp, Ba Trà cũng đổ hết vào các sòng bạc bởi đam mê trò đỏ đen – thời đó, nếu quy ra vàng thì khoảng trên mười nghìn lượng.
Cô Ba Trà, người mà cả 2 công tử đang theo đuổi, chinh phục, được mời từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu làm trọng tài của cuộc tỉ thí đốt tiền nấu chè, với sự theo dõi của hàng trăm người hiếu kỳ. Người ta kể rằng do giấy bạc làm bằng loại giấy khó cháy, tỏa nhiệt không nhiều nên 2 công tử mất gần 1 giờ để nấu chè.
Hắc công tử đốt những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn 100 đồng Đông Dương, còn Bạch Công tử chỉ đốt những tờ giấy bạc mệnh giá 10 đồng để thi nấu đậu. Kết thúc cuộc thi, Bạch công tử lại chiến thắng. Hắc công tử đã thua trận, chỉ biết nói 1 câu cho đỡ quê: “Chú em mày nhỏ tuổi nên háo thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”.
Theo giai thoại, Hắc công tử đã đốt hết 10.000 đồng Đông Dương mà vẫn thua, còn Bạch công tử chỉ đốt số tiền 1.000 đồng mà lại thắng.
Năm tháng cuối đời: túng quẫn, không chồng con, người thân
Theo năm tháng, nhan sắc cô Ba Trà qua tuổi xuân thì cũng dần nhạt phai. Những công tử, đại gia trước kia theo đuổi cũng ít dần và lảng tránh. Bà dĩ nhiên không còn tiền để cờ bạc.
Năm 1966, người ta tình cờ gặp Ngọc Trà đang làm công ở một tiệm trong Chợ Lớn. Ở tuổi lục tuần, bà trở nên tiều tuỵ, dù những nét thanh tú vẫn còn vương. Không có tài liệu nào nói về năm mất của bà, nhưng có thông tin bà qua đời trong nghèo khổ và cô đơn một mình ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn.
Sau Trần Ngọc Trà, Sài Gòn xuất hiện thêm những mỹ nhân đình đám như: Tư Nhị, cô Ba xà bông… Mỗi người một cách sống nhưng người đẹp nào sau cái thời của mình cũng mất hút và chỉ còn danh tiếng lưu truyền đến đời nay.
MinhHuệ