Sau đợt tăng từ giữa tháng 8, tuần qua lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại lại tăng. Mặc dù mức tăng không quá cao, các doanh nghiệp vẫn lo lắng điều này sẽ tác động đến lãi suất đầu ra.
Ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động
Từ ngày 10/10, Vietcombank tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng và tăng thêm 0,2%/năm cho các kỳ hạn 3-6 tháng, lên tương ứng 4,8-5,5%/năm.
Ngân hàng VietinBank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,2% đối với các kỳ hạn huy động từ 1-6 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 4,5%/năm, 3 tháng là 4,8%/năm và 6 tháng lên 5,5%/năm.
Agribank cũng vừa tăng lãi suất tiền thêm 0,2-0,3% đối với các kỳ hạn ngắn, như kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm và kỳ hạn 5 tháng là 5,5%/năm.
Không chỉ các ông lớn ngân hàng chạy đua tăng lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại khác như SCB, OCB… từ đầu tháng 10 cũng đã tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn ngắn 3 tháng lên 5,5%/năm…
Lãi suất cho vay không thể đứng yên
Theo Sài Gòn Giải phóng, các ngân hàng lý giải việc lãi suất huy động vào “cuộc đua” là do yếu tố vụ mùa. Quý IV hàng năm là khoảng thời gian nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tăng cao nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh dịp Tết Nguyên đán, nên buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút vốn.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), một số ngân hàng đã rục rịch nâng lãi suất cho vay đối với tiền đồng ngay từ tháng 8 và tháng 9 vừa qua, với mức tăng tổng cộng trong 2 tháng là 0,48%/năm.
Riêng trong tháng 9, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay như Agribank tăng lãi suất kỳ hạn ngắn thêm 0,2%/năm và trung dài hạn thêm 0,7-1,3%/năm; Sacombank và VPbank nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm 0,5-1%/năm; Techcombank nâng lãi suất cho vay thêm 0,1-0,2%/năm ở tất cả các kỳ hạn; MB điều chỉnh tăng 0,95% lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn và ACB nâng 0,2-0,7%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn.
Trong bối cảnh lãi suất huy động đồng loạt tăng lên ở nhiều ngân hàng, các doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay khó có thể giảm được.
Chia sẻ trên Pháp luật Tp.HCM, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Nguyên nhân là bởi yếu tố lạm phát ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Đơn cử như năm nay, dự báo lạm phát ở Việt Nam sẽ dao động quanh mức 4%, trong khi đó bình quân trên thế giới là 2,2%, Trung Quốc lạm phát 2% và Mỹ khoảng 2%.
Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất trên thế giới đang xu hướng tăng. Bên cạnh đó là nhu cầu huy động vốn tương đối cao, việc xử lý nợ xấu hiện nay đã diễn biến tốt hơn nhưng cũng cần có thời gian để xử lý tiếp… cũng là những áp lực khiến lãi suất cho vay khó quay đầu giảm.
Vỹ An (Tổng hợp)