Đến ngày thu hoạch, doanh nghiệp ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm bỗng nhiên mất tích khiến nhiều hộ nông dân không tìm được đầu ra, đành ngậm ngùi bỏ thối hàng trăm tấn khoai lang Nhật Bản ngoài đồng.
Những ngày gần đây, nông dân tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) như ngồi trên đống lửa khi nhận thông tin trụ sở Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan đặt tại Tp. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) liên tục đóng cửa, điện thoại liên lạc không có tín hiệu. Số vốn hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng khoảng 7 ha khoai lang Nhật đến nay hầu như mất trắng.
Chia sẻ trên Dân Việt, ông Trường ở thôn Đức Hòa cho biết, đã hơn 3 tháng nay, gia đình ông mất ăn, mất ngủ khi hơn 2 tấn khoai lang mà ông trồng được công ty Bazan thu mua nhưng chưa được thanh toán tiền.
Theo ông Trường, ông phải trả 2 triệu đồng/sào (1.000 mét vuông) tiền giống cho công ty. Tiền công trồng và chăm sóc sau 4 tháng là khoảng 8 triệu đồng/sào. Như vậy, với diện tích 2,5 sào trồng khoai lang Nhật Bản, ông Trường mất 25 triệu đồng tiền gốc. Ngoài ra, khoản tiền 14 triệu đồng bán khoai đã thu hoạch cho công ty Bazan, ông Trường xem như mất luôn khi liên hệ với số điện thoại của công ty để đòi tiền nhưng không được.
Thảm cảnh hơn ông Trường là anh Khánh ở thôn Chí Thán. Để đầu tư trồng khoai lang Nhật Bản theo hợp đồng với công ty Bazan, anh Khánh vay ngân hàng 120 triệu đồng. Đợt đầu anh thu được 2,5 tấn khoai bán cho công ty nhưng vẫn chưa được trả tiền. Không chỉ vậy, hiện gia đình anh vẫn còn 2,2 ha khoai lang đã quá tháng tuổi thu hoạch nên củ khoai bị sâu bệnh hơn 1/2 diện tích.
Anh Khánh than thở, hiện diện tích và sản lượng khoai lang chưa bán được vẫn còn quá lớn, nhưng anh không biết phải làm gì. Nếu nhổ khoai để bán ngoài chợ thì bán biết khi nào cho hết, còn nếu để lại thì cũng chỉ phá bỏ, khi hiện tại không có cách nào để liên hệ với công ty Bazan.
Theo VTV, công ty Bazan đã ký hợp đồng với nông dân xã Đức Bình Đông, trồng khoai lang theo phương thức phía công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm cho nông dân. Nông dân tham gia hợp đồng phải đưa trước cho công ty số tiền đối ứng với mức 2 triệu đồng/1000 mét vuông.
Thống kê ban đầu cho thấy diện tích khoai lang được nông dân xã Đức Bình Đông trồng theo hợp đồng với công ty Bazan khoảng 7 ha. Dù rằng, quy mô không quá lớn, nhưng với người dân ở đây, việc công ty Bazan phá vỡ hợp đồng đã khiến họ rơi vào cảnh sống bấp bênh.
Lãnh đạo UBND xã Đức Bình Đông cho biết đã nhiều lần liên lạc nhưng đại diện bên phía công ty Bazan không bắt máy. Xã cũng đã cử đoàn cán bộ lên trực tiếp trụ sở công ty Bazan nhưng trụ sở này luôn trong tình trạng đóng cửa.
Cũng theo vị này, đến thời điểm hiện tại công ty Bazan đã phá vỡ hợp đồng thu mua khoai với nông dân nên chính quyền và người dân đang nhờ các bên tư vấn về quy trình thủ tục để tiến hành khởi kiện.
Trong khi đó, theo một cán bộ công an Phường Thắng Lợi (Tp. Buôn Ma Thuột), tại địa chỉ nơi công ty Bazan đặt trụ sở vẫn có người ra vào ở khu vực sau nhà, còn cửa chính để kinh doanh đã khóa cửa khoảng 2 tháng nay.
Nguyễn Trang (Tổng hợp)