Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) mới đây vừa cảnh báo sự phát triển quá nóng về diện tích trồng cây có múi của nông dân đã bắt đầu xuất hiện những hệ lụy.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá nhiều loại quả có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua giảm mạnh, nhất là bưởi da xanh và cam sành.
Cụ thể, bưởi da xanh loại 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) hiện được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 32.000-35.000 đồng/kg, loại 2 chỉ từ 20.000-23.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với 2 tháng trước.
Trong khi đó, cam sành hiện được thu mua với giá rẻ như cho, chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Bộ NN&PTNT, là do tháng 11/2018 là thời điểm thu hoạch của nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều tỉnh trên cả nước. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước.
Riêng đối với bưởi da xanh, sở dĩ loại trái cây này năm nay giảm giá mạnh là do bưởi không đạt chất lượng xuất khẩu, thị trường Trung Quốc cũng có bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam.
Bưởi da xanh giảm giá xuống chỉ còn xấp xỉ 1/2 mọi năm khiến nhiều nhà vườn vô cùng lo lắng.
Chia sẻ trên Nông nghiệp Việt Nam, ông Điền ở huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) trồng khoảng 5.000 m2 bưởi da xanh cho biết, với tình trạng mất giá này, gia đình ông ước tính thất thu khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc tốn kém cao hơn so các năm.
Cùng chung cảnh ngộ, những người trồng cam sành ở ĐBSCL cũng đứng ngồi không yên khi giá cam liên tiếp sụt giảm. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân khiến giá cam sành rớt mạnh là do hiện nay đã vào thời điểm thu hoạch trái cam sành nhưng rất ít thương lái tìm mua. Đó là chưa kể vì muốn thu lợi nhuận nhanh nên nhiều nông dân trồng cam chỉ hơn 1 năm là đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt và cây bị bệnh nhiều.
Cũng theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sự phát triển quá nóng về diện tích cây có múi, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và các địa phương của nông dân đã bắt đầu xuất hiện những hệ lụy.
Cụ thể, thời gian qua, diện tích cây ăn quả tăng tập trung ở nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi). Tính đến tháng 9/2018, diện tích cây có múi tại Việt Nam đạt 192.700 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, phần lớn quả có múi chỉ được tiêu thụ nội địa, xuất khẩu không đáng kể. Riêng đối với quả bưởi, do chưa có tên trong danh sách các loại quả được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam nên thời gian qua chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Do đó, Bộ NN&PTNT cảnh báo nếu tiếp tục phát triển diện tích cây có múi thì tình trạng cung vượt cầu, rớt giá là điều không tránh khỏi.
(Tổng hợp)