Người dân trong thôn Phụ Chính được chuyển trả số tiền 5,3 tỷ đồng từ việc bán nhánh gỗ sưa trước đây và tiếp tục làm đơn gửi chính quyền xin bán cây.
Báo Dân Trí đưa tin, ngày 16/10, UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã thống nhất chuyển trả nốt số tiền 5,3 tỷ đồng cho người dân quản lý, từ việc bán đấu giá số gỗ sưa được 31,5 tỷ đồng năm 2015 trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc (thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính).
Chủ tịch UBND xã Hoà Chính – ông Nguyễn Văn Chính cho biết, vướng mắc về số tiền 5,3 tỷ đồng thuộc quyền lợi của dân cư thôn Phụ Chính, xã đứng ra đầu tư, kiến thiết cơ sở hạ tầng phúc lợi cho thôn nhưng không nhận được sự đồng tình của dân.
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từng xác nhận cây gỗ sưa này là cây trồng phân tán do người dân thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Vì vậy, việc khai thác sử dụng cây sưa do dân làng tự quyết định.
Về việc tiền bán gỗ sưa lại chuyển vào ngân sách xã, theo ông Chính, năm 2010, người dân thôn Phụ Chính đã khai thác một nhánh cây sưa bán cho người dân ở Bắc Ninh với giá 20,5 tỷ đồng. Nhưng khi người mua vận chuyển gỗ sưa ra khỏi xã Hòa Chính bị công an huyện Chương Mỹ thu giữ.
Còn số tiền trên được đại diện thôn giữ và gửi trong ngân hàng. Đến nay, cả gốc và lãi lên tới hơn 34 tỷ đồng.
Đến năm 2015, số gỗ trên được huyện bán đấu giá, thu về trên 31 tỷ đồng. Sau đó, huyện chuyển tiền vào ngân sách xã để đầu tư cho các công trình phúc lợi thôn Phụ Chính.
Tới năm 2017, số tiền này được đầu tư vào xây dựng chùa thôn Phụ Chính, giai đoạn 1 duyệt chi 25,671 tỷ đồng. Hiện vẫn còn khoảng 5,3 tỷ trong ngân sách xã.
Theo Báo Dân Việt, cũng trong ngày hôm qua, người dân thôn Phụ Chính đã làm đơn gửi chính quyền xin được bán cây gỗ sưa. Trong đơn nêu rõ, cây sưa có hiện tượng mối mọt, bong tróc vỏ, héo dần, người dân đang chờ xã trả lời để đấu giá công khai, lấy tiền tu bổ đình, chùa và các công trình phúc lợi.
Trưởng thôn Phụ Chính cho biết: “Mấy ngày nay cũng có một số người đi ô tô đến thôn xem cây sưa nhưng họ chưa trả giá mua. Hiện tại, tổ bảo vệ của thôn vẫn thay nhau ngày đêm trông hai cây sưa còn lại. Trước đây, điện đường chỉ để đến 23h đêm là tắt nhưng thời gian này điện đường để đến sáng nhằm đảm bảo an ninh thôn xóm và bảo vệ cây sưa ở trong chùa”.
Cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên chùa ở thôn Phụ Chính tuổi đời trên 130 năm. Theo người dân, cây này từng được trả giá trên 100 tỷ đồng. Năm 2015, vụ bán đấu giá một phần cây sưa gây xôn xao khi giá trị lên tới hơn 31 tỷ đồng. Trước hiện tượng cây bị mối mọt, người dân nhiều lần đề nghị bán cây sưa. Tháng 10 vừa qua, Hà Nội yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật. |
Thế Tam (Tổng hợp)