Đất yếu, mưa lớn kéo dài gây xói mòn dẫn đến sụt lún, trượt sạt nhà dân ở Hoà Bình.
Ngày 1/8, TS. Trịnh Xuân Hoà, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) cho Báo Lao Động biết, nguyên nhân sơ bộ gây sụt lún nhà dân ở tổ 26, phường Đồng Tiến (TP. Hoà Bình) xuống sông Đà do đất yếu, cộng thêm mưa lớn kéo dài khiến đất bị mất liên kết.
Ông Hoà cho rằng, những ngôi nhà ở tổ 26 được xây dựng trên nền đất yếu, mưa lớn kéo dài kèm theo nước dâng lên cao làm cho phần chân đất bị mềm, bở, mất kết dính.
Trong khi đó, 15 nhà dân ở xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn cũng có nguy cơ bị cuốn xuống sông Đà do nằm trên cung trượt lớn sát bờ sông, đá gốc ở khu vực này rất ít kèm theo mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến cho đất trượt lở xuống phía lòng sông.
“Riêng về vấn đề khai thác cát, chúng tôi sẽ làm trắc địa lòng sông để đánh giá chi tiết hơn về vấn đề này, tuy nhiên, đây cũng là một nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở đất và sụt lún ở Hoà Bình”, TS. Hoà nói.
Theo Báo Dân Trí, có ý kiến cho rằng hàng chục ngôi nhà ở TP. Hòa Bình bị sạt trượt xuống sông Đà hoặc nứt toác, hư hỏng do Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai khẳng định, không phải do thủy điện Hòa Bình đóng/mở đột ngột các cửa xả lũ dẫn đến sụt lún nhà dân.
Ông Sơn cũng cho rằng, nguyên nhân chính là mưa kéo dài gần 1 tháng, lượng nước đổ xuống quá lớn, hạ tầng địa chất đã ngậm đủ nước, kết cấu yếu gây sạt lở.
Trước đó, khoảng 18h ngày 30/7, tại khu vực tổ 26 phường Đồng Tiến xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông làm nhà của 29 hộ dân (28 hộ có nhà xây, 1 hộ có đất trống) bị thiệt hại và đổ xuống lòng sông Đà. Trong đó, 9 hộ với 22 nhân khẩu bị sập nhà hoàn toàn; 10 hộ (27 nhân khẩu) bị sập nửa nhà; 9 hộ (17 nhân khẩu) nhà bị rạn nứt to có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Cũng trong ngày 30/7, Tỉnh lộ 445 đoạn qua xóm Máy Giấy (xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn) xuất hiện một vết nứt dài hơn 100m, 15 nhà dân gần đó có nguy cơ bị sạt xuống sông Đà.
An An