Đại Kỷ Nguyên

Dấu ấn trên màn ảnh của ‘Mr. Bean’ Rowan Atkinson

Sau hàng thập kỷ đem lại tiếng cười cho khán giả, Mr. Bean đã trở thành thương hiệu của riêng Rowan Atkinson và là biểu tượng văn hóa xứ sở sương mù. Ông từng được The Observer bình chọn là một trong 50 diễn viên hài kịch xuất sắc nhất Anh quốc. 

Rowan Atkinson sinh năm 1955, là diễn viên hài nổi tiếng thế giới với vai Mr. Bean. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Rowan Atkinson đã tham gia vào đội kịch và thường diễn các vai hài. Chính những sân khấu này đã nuôi dưỡng đam mê cho chàng thanh niên lúc bấy giờ.

Rowan Atkinson

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Atkinson được mời làm MC trong tour diễn của Angus Deayton. Từ đây, may mắn liên tiếp mỉm cười với ông. Atkinson được nhiều nhà sản xuất tìm đến và ngày càng thành công.

Series phim Mr. Bean

Từ khi còn trẻ, Rowan Atkinson đã tham gia nhiều chương trình truyền hình và được khán giả nhớ mặt. Nhưng vai diễn đưa tên tuổi ông đến với công chúng thế giới là Mr. Bean trong series phim cùng tên.

Atkinson xuất hiện lần đầu tiên với vai Mr. Bean vào năm 1990 trong một chương trình của đài Thames. Ngay lập tức, nhân vật này được người xem yêu thích. Sau đó, những tập phim ngắn, không đều đặn về "ngài" Bean được sản xuất. Tới tận năm 1997, Mr. Bean mới chính thức được sản xuất liên tục.

“Ngài” Bean với chiếc áo vest nâu, cà vạt đỏ cùng chiếc xe ô tô cổ vàng chanh in đậm trong tâm trí khán giả.

Trong phim, Mr. Bean được khắc họa là "một đứa trẻ trong thân thể người lớn". Ông khờ khạo, lập dị và chỉ có duy nhất chú gấu Teddy làm bạn. Bộ phim không có nhiều lời thoại và gây cười bởi những câu chuyện, cách xử lý tình huống không giống ai của Mr. Bean.

Cái tên đơn giản mà thú vị này cũng do chính Atkinson lựa chọn. Ông lấy cảm hứng từ một nhân vật hài kịch trong tác phẩm của nhà biên kịch và đạo diễn người Pháp Jacques Tati.

Sau hàng thập kỷ đem lại tiếng cười cho khán giả, Mr. Bean đã trở thành thương hiệu của riêng Rowan Atkinson và là biểu tượng văn hóa xứ sở sương mù.

Trước khi chính thức chia tay Mr. Bean, Atkinson chia sẻ: "Vai diễn này là một thành công lớn của tôi xét trên lĩnh vực thương mại nhưng chủ yếu nó chỉ dựa trên ngôn ngữ hình thể và cũng khá trẻ con. Càng lúc tôi càng cảm thấy mình làm được ít hơn cho vai diễn này. Bên cạnh việc cơ thể của tôi cùng với tuổi tác sẽ dần xuống cấp, tôi cũng cho rằng một diễn viên đã gần 60 mà vẫn tỏ ra trẻ con thì thật đáng buồn".

Lồng tiếng trong Lion king (Vua sư tử)

Không giống Mr. Bean, trong Lion king, khán giả được cảm nhận khả năng biến hóa giọng điệu tài tình của Rowan Atkinson. Dưới sự thể hiện của Atkinson, nhân vật chú vẹt Zazu lắm lời, cận thần đắc lực của Mufasa hiện lên trọn vẹn và hài hước.

Rowan Atkinson lồng tiếng cho nhân vật Zazu.

Với việc góp mặt vào tác phẩm hoạt hình nổi tiếng này, Rowan Atkinson đã chứng tỏ khả năng mang lại tiếng cười không chỉ thể hiện qua dáng điệu, cử chỉ mà còn cả trong từng lời nói.

Johnny English (Điệp viên Không không thấy)

Johnny English là sự kết hợp giữa thể loại hành động và hài hước, kể về điệp viên "siêu đẳng" cùng tên. Nét đặc trưng của điệp viên "Không không thấy" là sự ngờ nghệch, chuyên gây rắc rối nhưng luôn "thoát chết" trong tích tắc.

Ra rạp lần đầu tiên vào năm 2003, bộ phim gây tiếng vang lớn, thu về 160 triệu USD trong khi ngân sách bỏ ra chỉ khoảng 35 triệu USD. Đến năm 2011, Johnny English tiếp tục ra mắt phần 2, mang về 164 triệu USD, gấp gần 4 lần kinh phí ban đầu.

Điệp viên Johnny English

Cuối tháng 9 này, Rowan Atkinson sẽ tái xuất màn ảnh rộng với phần 3 Johnny English Strikes Again. Trong phần mới, một cuộc tấn công mạng xảy ra làm lộ danh tính tất cả điệp viên Anh quốc. Lúc này, Johnny English đã nghỉ hưu và đang giảng dạy tại một trường tiểu học nhưng buộc phải trở lại để truy tìm kẻ đứng sau.

Ở tuổi 63, Rowan Atkinson không còn trẻ trung như trước nhưng vẫn luôn dí dỏm, hoạt náo. Hành trình đi tìm hacker của Johnny English và cận vệ Bough (Ben Miller) được đoàn phim hé lộ vừa hài hước vừa bất ngờ.

(Tổng hợp)

Exit mobile version