Đại Kỷ Nguyên

Đề xuất bỏ viên chức suốt đời, xoá hình thức kỷ luật giáng chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Gia Hân/Thanh Niên)

Chiều 24/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chiều 24/5, tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội về một số điểm mới về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một nội dung mới đáng chú ý trong tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là đề xuất đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn.

Đây được xem là biện pháp thúc đẩy cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ đó thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, gắn chế độ tiền lương với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Theo VTC News, đây là phương án được Bộ Nội vụ lựa chọn trình ra Quốc hội xem xét, bên cạnh phương án giữ như quy định hiện hành là sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, để người lao động yên tâm làm việc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp. (Ảnh: VTC News)

Chính sách thứ hai liên quan đến đối tượng công chức theo báo Lao Động là việc không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức trong dự án luật. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, hiện còn 2 phương án.

Một là, không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.

Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn, thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.  

Hai là, giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật Cán bộ, công chức hiện hành.

Hiện Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức (phương án 1).

Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Luật Viên chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.

Khôi Minh (tổng hợp)

Exit mobile version