Đại Kỷ Nguyên

Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít chưa được thông qua

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua đề xuất của Chính phủ về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với một loạt mặt hàng, trong đó xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít.

Sáng ngày 12/7, tại phiên họp thứ 25, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội chưa thông qua đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng, trong đó xăng tăng lên mức kịch trần 4.000 đồng/lít thay vì 3.000 đồng như hiện nay, theo Vietnamnet.

https://doctinnhanh.net/stores/video_data/hoalien/072018/13/08/ChYa_chYt_tYng_thuY_moi_trYYng_tY_xYng_len_4.000Y_lit3202.mp4

(Nguồn: Video VTC14)

Theo Bộ Tài chính, giá xăng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, khi vẫn thấp hơn 120 nước.

Cụ thể, giá xăng của Việt Nam thấp hơn Lào là 5.556 đồng/lít, Campuchia là 3.745 đồng/lít, Trung Quốc là 1.468 đồng/lít, Singapore là 17.394 đồng/lít…

Bộ Tài chính tính toán, với phương án điều chỉnh trên, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là 55.096 tỷ đồng mỗi năm, tăng 14.368 tỷ đồng.

Đề xuất biểu thuế bảo vệ môi trường với một số hàng hoá như sau:

Đơn vị tính: VND

Hàng hóa Mức hiện hành Mức đề xuất
Xăng (trừ ethanol) 3.000 4.000
Dầu diesel 1.500 2.000
Dầu madút 900 2.000
Dầu nhờn 900 2.000
Mỡ nhờn 900 2.000
Dầu hỏa 300 2.000
Túi nilon 40.000 50.000

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban này nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc thời điểm tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.

“Chẳng hạn như ý kiến của Bộ Công thương đề xuất thì nên chăng chúng ta tăng theo lộ trình mỗi lần tăng 500 đồng/lít để tránh gây sốc”, ông Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nên chọn phương án tăng một lần, vì nếu chia làm nhiều lần để tăng, có khi tạo hiệu ứng khác. Vì hiện nay, cứ mỗi lần tăng thuế, giá là các mặt hàng khác lại tăng theo phong trào.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, có 2 mốc thời gian có thể cân nhắc là 1/8 hoặc 1/10, để tránh thời điểm tháng 9 bắt đầu năm học mới. Theo ông Dũng, phương án để sang 1/1/2019 là không nên, bởi đây là thời điểm Tết Dương lịch và cận kề Tết Nguyên đán.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo Nghị quyết biểu thuế môi trường có thể được cơ quan thường trực Quốc hội tiếp tục thảo luận ở kỳ họp vào tháng 8, theo VnExpress.

“Tăng thuế có thể chúng ta sẽ thêm vài ngàn tỷ đồng nhưng chưa biết diễn biến tình hình thế nào… Lắng nghe các ý kiến thảo luận, tôi biết vẫn còn nhiều lăn tăn. Vì vậy tôi đề nghị thảo luận nhưng chưa biểu quyết thông qua”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Hoa Liên

Exit mobile version