Nhiều bà con nông dân trồng khoai lang giống Nhật Bản ở Gia Lai đang đứng ngồi không yên khi giá khoai giảm sâu xuống còn 3.000 đồng/kg, nhưng thương lái cũng không mặn mà thu mua, thậm chí còn “bỏ của chạy lấy người”.
Những người dân trồng khoai lang Nhật ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai) cho biết, với mức giá khoai thấp như hiện nay, nguy cơ thua lỗ là khó tránh khỏi.
Chia sẻ trên Dân Việt, chị Hương trồng 10 ha khoai lang Nhật ở thôn Chí Linh cho biết, từ đầu tháng 2, có thời điểm giá khoai lang cao nhất đạt 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 đến nay giá khoai liên tục giảm và hiện chỉ còn ở mức 3.000-4.000 đồng/kg đối với củ khoai to, mã đẹp, còn củ nhỏ chỉ 1.000 đồng/kg.
Ngoài ra, chị Hương cho biết giá khoai lang xuống thấp nhưng thương lái cũng không nhiệt tình thu mua. Trong khi đó, diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường, khoai lang trồng ở ruộng đến ngày thu hoạch chỉ cần vài trận mưa to, ruộng ngập úng, khoai sẽ bị hỏng hết.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Lương ở thôn Chí Linh cho biết gia đình anh đã có nhiều năm trồng khoai lang Nhật nhưng chưa năm nào khoai rớt gia như năm nay. Cụ thể, những năm trước, gia đình anh thu cả trăm triệu đồng từ trồng khoai nhưng vụ này với mức giá 3.000-4000 đồng/kg cho khoai loại 1, gia đình anh nếu may mắn thì hòa vốn.
Theo ông Phan Văn Làn, Trưởng thôn Chí Linh, trong thôn còn vẫn còn hơn chục ha khoai chưa bán được. Hiện tại với giá 3.000 đồng/kg khoai to đẹp, khoai xô chỉ còn 1.000 đồng/kg thì người trồng khoai lỗ nặng.
Cũng theo ông Làn, trước đây khoai đắt thương lái tranh nhau mua ngay tại ruộng. Tuy nhiên, khi giá khoai xuống thấp, dù đã đặt cọc 60% số tiền mua khoai, thương lái vẫn “bỏ của chạy lấy người”, không thiết tha quay lại ruộng thu khoai.
Ông Phùng Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, cho biết mấy năm gần đây thấy trồng khoai lang Nhật có thu nhập cao nên nhiều nông dân trong thôn đã chuyển đổi các loại cây trồng khác như mía, lúa sang cây trồng này. Dù thu nhập cao nhưng đầu ra của khoai lang Nhật lại không ổn định.
Trong khi đó, theo các thương lái, hiện các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng cũng đang rộ vào mùa thu hoạch khoai, nguồn cung vượt cầu, sức tiêu thụ chậm, khiến khoai lang Nhật rơi vào tình cảnh ế ẩm.
Có thể thấy, những năm gần đây, vòng tuần hoàn “được mùa mất giá, giải cứu nông sản” cứ lặp đi, lặp lại khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm về tương lai của nông sản Việt Nam.
Chỉ tính riêng vài tháng kể từ đầu 2018 đến nay, hàng loạt các loại nông sản như củ cải, su hào, dưa hấu, khoai tây, bí xanh… rơi vào tình cảnh giá rẻ như cho vẫn không có người mua. Kết quả nhiều chiến dịch giải cứu, giúp đỡ bà con nông dân tìm đường tiêu thụ đã được thực hiện.
Thế nhưng, câu chuyện “giải cứu” nông sản vẫn chưa đi đến hồi kết. Nhiều người đang đặt ra câu hỏi, câu chuyện này sẽ còn tiếp tục đến bao giờ?
Theo các chuyên gia, sản xuất phá vỡ quy hoạch khiến cung vượt quá nhu cầu, thiếu một chuỗi sản xuất bền vững chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của nông sản trong suốt thời gian qua.
Chia sẻ trên Diễn đàn đầu tư, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thừa nhận những năm qua, dù đã có quy hoạch cho từng ngành, vẫn xảy ra tình trạng người nông dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Người nông dân vẫn chủ yếu nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường.
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), sản xuất nông nghiệp hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung dẫn tới việc khi được mùa thì rớt giá, người sản xuất lại như “ngồi trên đống lửa” để tìm đường tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Trang