Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU 11/10: Lại có thêm kết luận về chiều cao của nam sinh ở Nghệ An bị trường Sĩ quan trả về, Cao tốc 34.000 tỷ bị buộc dừng thu phí từ 0 giờ ngày 12/10

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 11/10 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Lại có thêm kết luận về chiều cao của nam sinh ở Nghệ An bị trường Sĩ quan trả về

Quang Quốc Việt – nam sinh bị trường Sĩ quan Thông tin trả về được trường học cũ ở Nghệ An cấp kinh phí ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe. Sau khi đo lại, chiều cao của Việt là 1,615 m, khác với kết quả hai lần kiểm tra trước đó.

Báo Lao Động đưa tin, sáng 11/10, ông Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An – nơi Việt theo học cấp 3 cho biết, trường đã cấp kinh phí đưa Việt ra Hà Nội để kiểm tra lại sức khỏe; đồng thời sẽ kiến nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Quốc phòng xem xét việc nam sinh này bị Trường Sĩ quan Thông tin trả về.

Theo đó, ngày 10/10, Việt được đưa ra Bệnh viện Lao Phổi Trung ương (Hà Nội) để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận Việt âm tính với lao.

Về chiều cao đo lại, nam sinh đạt 1,615 m. Nhà trường và gia đình vẫn mong Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc xem xét về trường hợp của em này.

“Tại sao lại có chuyện khi thì nói em bị lao phổi, lúc lại nói thiếu chiều cao để trả em về địa phương. Cháu đã đỗ nguyện vọng 1 vào Trường Sĩ quan thông tin và đã nhập học.

Nay công tác tuyển sinh của các trường khác đã hoàn tất, Trường Sĩ quan Thông tin trả cháu về thì cháu biết vào trường nào đây. Thực sự chúng tôi rất trăn trở, vì quá thương Việt”, thầy Nguyễn Đậu Trương chia sẻ. (Chi tiết)

Cao tốc 34.000 tỷ bị buộc dừng thu phí từ 0 giờ ngày 12/10

Theo Báo Người Lao Động, chiều nay (11/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để mặt đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hư hỏng, đồng thời quyết định dừng thu phí cao tốc này từ 0 giờ ngày 12/10 để khắc phục các hư hỏng.

Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện nhiều hư hỏng. (Ảnh: Tiền Phong)

Bộ GTVT cũng “nghiêm khắc phê bình” Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc VEC, với vai trò lãnh đạo của chủ đầu tư, nhưng đã chậm trễ trong việc xử lý các hư hỏng mặt đường; cung cấp thông tin, né tránh trách nhiệm, tạo dư luận không tốt. (Chi tiết)

Đà Nẵng: Cháy kèm nổ lớn ở tầng 12 chung cư, hàng trăm người tháo chạy

Zing thông tin, khoảng 8h 30′ sáng 11/10, một tiếng nổ phát ra ở tầng chung cư 12T5 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Người dân trong tòa nhà vội vàng chạy ra ngoài quan sát thì thấy tầng 12 có cột khói đen bốc lên. Chuông báo cháy của chung cư reo liên hồi.

Vụ cháy xuất phát từ nhà số 1202 ở tầng 12 chung cư 12T5. (Ảnh: Thanh Niên)

Một nhân chứng cho biết, đám cháy nhanh chóng lan rộng, lúc đó bảo vệ chung cư đã sơ tán toàn bộ hộ dân sinh sống trong toà nhà ra ngoài.

Đến 9h cùng ngày, vụ hỏa hoạn đã được khống chế. Không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy khiến toàn bộ đồ đạc của căn hộ tại tầng 12 bị thiêu rụi.

Nhiều vật dụng bên trong căn hộ cháy đã bị thiêu rụi. (Ảnh: VnExpress)

Lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông cho biết nguyên nhân vụ cháy do nổ gas phát ra từ một căn hộ của tầng 12. Thiệt hại do vụ cháy đang được thống kê. (Chi tiết)

Nguyên nhân khiến miền Tây ngập lụt ngày càng trầm trọng

Liên tục nhiều ngày qua, lũ kết hợp với triều cường gây ngập nặng tại Cần Thơ. Nhiều tuyến đường, nhà cửa chìm trong nước, cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Ông Kỷ Quang Vinh – Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ cho biết, ngày 10/10, mức triều cường đạt 2,23 m, đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2011, triều cường cao nhất tại Cần Thơ chỉ đạt 2,15 m.

Hiện tượng này xảy ra không chỉ do triều cường mà còn một số nguyên nhân như: Sụt lún mặt đất, nước biển dâng và loạn cốt nền trong quy hoạch và xây dựng đô thị, hệ thống thoát nước xuống cấp, quá tải.

VnExpress dẫn lời ông Vinh: “Đây là đợt triều cường bất thường. Việc Cần Thơ ngập sâu trong diện rộng có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là do đất lún”. Cả miền Tây đang lún nhưng Cần Thơ là vùng trũng nên có cảm giác lún nhiều hơn.

Triều cường tại Cần Thơ sáng 7/10 cao hơn nhiều đợt triều trước đó. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

TS. Lê Anh Tuấn – Phó Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, diễn biến triều cường năm nay đặc biệt, cao bất thường. “Sự bất thường này có lý do từ tự nhiên và cả con người”.

Theo chuyên gia này, mỗi năm miền Tây bị lún 2-3 cm, gấp 10 lần nước biển dâng. Những nơi nền đất yếu có nhiều công trình hoặc chỗ bị rút nước ngầm nhiều thì mức độ lún nhiều hơn.

Theo quy luật tự nhiên, nước lũ tràn về thường đi vào các vùng trũng rộng lớn đầu nguồn như Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên. Hiện các vùng này hiện đã xây đê chắn lũ. Lũ năm nay lớn hơn mọi năm, khi nước không vào được đây thì sẽ dồn xuống khu vực hạ nguồn, trong đó có Cần Thơ.

Độ cao so với mặt nước biển của đồng bằng sông Cửu Long so với sụt lún lũy tích mô phỏng qua 25 năm. (Ảnh: Miderhoud và các cộng sự)

Dự báo đến năm 2070 mực nước biển tăng lên 50 cm. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của các tình thành miền Tây Nam Bộ, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Liên quan đến ngập lụt khi triều cường và lũ ở các tình miền Tây Nam Bộ, chuyên gia nhận định tình trạng này còn do phần cốt nền.

Kiến trúc sư Lê Công Sĩ chia sẻ trên Báo Thanh Niên, cốt nền chỉ là con số mơ hồ khi cốt nền chuẩn 2.0 của quốc gia dẫn về mỗi địa phương không thống nhất. Để có một cốt nền chuẩn cần nghiên cứu mức phù hợp khi nước biển dâng. Ngoài ra, còn phải dự trù trong tương lai nước biển sẽ dâng bao nhiêu, lún đất bao nhiêu để cần phải thay đổi cốt nền bởi hiện nay nền đất thấp dần.

Ngập nước có một phần nguyên nhân do triều cường, lún đất và cốt nền thấp hơn mực nước biển. (Ảnh: Thanh Niên)

Ông Nguyễn Hoài Nam (nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. HCM) cho rằng, hiện nay đã có kịch bản ngập 2,5 m nước, nghĩa là nước biển dâng lên trên 50 cm so với cốt nền 2.0. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ diễn ra ở một số nơi do lún đất và nước biển dâng thì nhiều nơi sẽ bị ngập, không phải là tất cả do đó một số nơi cốt nền 2.0 vẫn còn phù hợp.

Những nơi đã xây theo cốt nền 2.0 hoặc dưới 2.0 thì tìm giải pháp sống chung chứ không nâng đường, nâng nhà, cũng như chống ngập có thể xây hầm dưới đất chứa nước sau đó bơm ra, xây đê bao chống ngập cục bộ…

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version