Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU 25/11: Hàng loạt hồ chứa ở Khánh Hòa bắt đầu xả lũ, Bão số 9 cuốn trôi đường ray khiến nhiều đoạn đường sắt Bắc Nam tê liệt

Điểm tin chiều ngày 25/11.

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 25/11 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Hàng loạt hồ chứa ở Khánh Hòa bắt đầu xả lũ, di dời hàng trăm hộ dân

Trưa 25/11, tại tỉnh Khánh Hoà mưa to đến rất to, đặc biệt là khu vực phía Nam tỉnh, nên mực nước các hồ chứa như Tà Rục, Suối Hành, đã lên nhanh (đạt 90-95% dung tích) buộc phải xả lũ.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, hiện các đơn vị quản lý hồ chứa đang chủ động điều tiết, xả lũ các hồ (Tà Rục 216,26 m3/s; Suối Hành 165,37 m3/s; Suối Dầu 68,72 m3/s; Canh Ranh 52,53 m3/s).

Qua rà soát tại vùng hạ du ở các hồ trên, do đã ngừng mưa nên mức độ ngập không lớn (từ 10-20cm). Tuy vậy, tại một số vị trí trên Tỉnh lộ 9 bị ngập cục bộ từ 0,8-1m, theo báo Lao Động.

Để hạn chế lưu lượng xả vào ban đêm, đơn vị quản lý các hồ chứa trên đang phối hợp với chính quyền địa phương vùng hạ du (xã Cam Phước Tây, Cam Phước Đông) tranh thủ điều tiết xã lũ (hồ Suối Hành, Tà Rục) vào ban ngày, với lưu lượng nước về các hồ để vừa hạn chế ngập lụt vùng hạ du, vừa đảm bảo an toàn công trình hồ chứa.

Huyện Khánh Sơn bị ngập nhiều vùng

Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm đã bị ngập, đến 9 giờ sáng, các phương tiện không thể đi lại được do nước ngập sâu và chảy xiết. Tuyến đường sắt cũng bị tê liệt, ngành đường sắt buộc phải dùng xe ô tô để trung chuyển, đưa hành khách trên các chuyến tàu đang mắc kẹt vì nước lũ.

Tại thành phố Cam Ranh chưa ghi nhận thiệt hại về người và nhà cửa nhưng mưa lớn đã làm thiệt hại nặng nề hoa màu và hải sản đang nuôi trồng do bị ngọt hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cam Ranh cho biết, địa phương đang di dời dân để tránh lũ. Ngập vì vùng này là vùng trũng, khi xả lũ về buộc phải di dời dân, do dân nằm dưới hạ lưu.

Di dời theo phương án, đưa bà con về nơi an toàn. Đã di dời 400 hộ, các địa phương báo về chưa có vùng nào bị sập. Nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, nước lũ nó về, nước ngọt về quá lớn, ngập các đìa, dẫn đến ốc hương bị thiệt hại, theo báo điện tử VOV.

Quốc lộ 1A đoạn qua Cam Ranh, Khánh Hòa bị ngập, sạt lở.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Khánh Sơn mưa lớn đã làm mực nước trên các sông, suối dâng cao nhanh chóng, làm ngập các cầu tràn, khiến cô lập nhiều khu dân cư. Cụ thể, tuyến Tỉnh lộ 9 đoạn qua thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Lâm bị ngập sâu. 4 xã Sơn Lâm, Sơn Bình, Thành Sơn, Ba Cụm Nam vị cô lập với vùng trung tâm.

Bão số 9 gây mưa lớn trôi đường ray khiến nhiều đoạn đường sắt Bắc Nam tê liệt, 2.500 hành khách mắc kẹt

Bão số 9 gây mưa lớn diện rộng Nam Trung Bộ khiến nhiều đoạn của đường sắt Bắc – Nam bị hư hỏng, ngập úng. Đến trưa nay (25/11), có 7 đoàn tàu với khoảng 2.500 khách đã bị mắc kẹt.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ đêm 24/11 đến sáng nay mưa lớn xuất hiện ở hầu khắp các tình thành tại Nam Trung Bộ. Theo Báo Tuổi Trẻ, tuyến đường sắt từ ga Kà Rôm đến ga Phước Nhơn tại Ninh Thuận đã bị ngập nặng nhiều đoạn dài tổng cộng khoảng 600-700m, sâu hơn 1 mét. Mưa lớn còn làm trôi nền đường sắt một đoạn dài 100m khiến các đoàn tàu Thống Nhất không thể đi qua.

Việc sửa chữa dự kiến sẽ hoàn thành vào chiều tối nay 25/11. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Công ty cổ phần Đường sắt Thuận Hải cho biết, sau khi nước ngập rút, lực lượng cứu hộ đang khắc phục các đoạn nền đường ray bị trôi. Dự kiến, chiều nay có thể khắc phục xong những đoạn sạt lở.

Đại diện Chi Nhánh vận tải đường sắt Nha Trang thông tin với Báo Người Lao Động, mưa lớn đã gây ngập hai khu vực tại Suối Cát (Cam Lâm) và Ninh Thuận bị ngập khiến 7 đoàn tàu bị mắc kẹt. Mỗi đoàn tàu có khoảng 350 hành khách, ước tính lượng khách bị mắc kẹt khoảng 2.500 người. Ngành đường sắt đã hợp đồng 13 xe khách thực hiện trung chuyển hành khách ở 2 điểm này đến các ga kế tiếp để tiếp tục hành trình.

Tương tự như ở Ninh Thuận, nhiều đoạn đường sắt ở Nha Trang vẫn đang ngập úng. (Ảnh: Người Lao Động)
Một số đoạn đường sắt tại Cam Ranh sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Người Lao Động)

Theo VOV, từ tối qua, các chuyến tàu SE2, SE4, SE10 chạy tuyến TP. HCM đi Hà Nội do tuyến đường sắt bị tắc nghẽn vẫn chưa tới được ga Nha Trang. Phòng khách vận đã làm thủ tục trả vé cho hành khách đi các chuyến tàu đi Hà Nội như SE6, SE8, SE10, SE22 mua tại ga Nha Trang.

Ngăn dòng người xuống xe dắt bộ trước mặt CSGT, Hà Nội rào chắn vỉa hè

Khoảng 80 m rào chắn bằng thép cao 1 mét đã được lắp đặt trên vỉa hè của tuyến đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mục đích ngăn người dân ùn ùn dắt xe máy đi ngược chiều trong giờ cao điểm.

VnExpress thông tin, đêm 24/11 Công ty Cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội lắp thêm khoảng 40 m rào chắn trên vỉa hè tuyến đường Tố Hữu, phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trước đó trong đêm 22/11, hơn 40 m rào chắn cao một mét đã được dựng lên ở dọc mép vỉa hè sát với lòng đường Tố Hữu. Các khung thép chắn ngang vỉa hè theo hình zíc zắc đã được lắp ở gần nút giao Mỗ Lao. Các rào chắn này nhằm ngăn xe máy không đi trên vỉa hè.

Tuy nhiên, theo Báo Tuổi Trẻ, sau khi 40 m rào chắn được lắp đặt trên vỉa hè của đường Tố Hữu thì nhiều xe đi ngược chiều đã chọn cách lách qua rào hoặc… đi xuống lòng đường.

Nhiều người vẫn lách qua khe hẹp của rào chắn trên vỉa hè. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Tình trạng này rất phổ biến vào giờ cao điểm và có lẽ chỉ vài chục mét rào chắn không thể ngăn được việc đi ngược chiều. (Ảnh: Zing)
Theo Zing, ngay sau khi lắp đặt, một số rào chắn tại vỉa hè đường Tố Hữu đã bị nhổ trộm và phải lắp đặt lại. Thậm chí, phía thi công phải cử người mắc võng để trông rào chắn. Người đi bộ qua đoạn có rào phải lách người do khoảng cách giữa các thanh rào chỉ khoảng 40 cm.

(xem chi tiết)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version