Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 28/9 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:
Sản phụ cùng thai nhi ngưng tim sau gây tê mổ đẻ
Sau khi vào phòng sinh mổ được một lúc thì bác sỹ ra nói gây tê có vấn đề trục trặc, sản phụ ngất đi, người tím tái và đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hà Nam nhưng tử vong sau đó, theo Đời Sống Plus.
Theo phản ánh của ông Đỗ Đức Tuy (người nhà nạn nhân) vào ngày 24/9, chị Cao Thị Thanh (sinh năm 1999) vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm để chờ sinh. Đến trưa ngày 26/9, gia đình được bác sỹ thông báo thai phụ Thanh không sinh thường được mà phải mổ. Sức khỏe của Thanh lúc này hoàn toàn khỏe mạnh.
Sau đó, chị Thanh vào phòng sinh mổ được một lúc thì bác sỹ ra nói gây tê có vấn đề trục trặc, Thanh ngất đi, người tím tái cần chuyển lên tuyến trên ngay. Khi chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam được mấy tiếng đồng hồ thì cả 2 mẹ con đều tử vong.
Trước sự việc trên, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cho biết, khoảng 15h30 khoa Cấp cứu bệnh viện đã tiếp nhận sản phụ Cao Thị Thanh, mang thai 40 tuần tuổi từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm trong tình trạng mất ý thức, mất nhịp tự thở, đồng tử giãn, mạch, huyết áp tụt, tình trạng chuẩn bị ngừng tuần hoàn.
Các bác sĩ bệnh viện đã tiến hành cấp cứu, siêu âm ổ bụng và thai nhi lúc đó không có tim thai. Các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu trong 3 tiếng nhưng sản phụ và thai nhi đều tử vong. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp y, chiều 27/9, mẹ con sản phụ đã được đưa về quê làm thủ tục mai táng.
Ông Văn Tất Phẩm – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đang tiến hành xác định nguyên nhân sản phụ Cao Thị Thanh ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam tử vong cùng thai nhi.
Ông Phẩm cho biết: “Hiện nay toàn bộ hồ sơ đã được bàn giao cho phía Công an điều tra xác minh, Sở Y tế Hà Nam chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm phối hợp cùng gia đình lo hậu sự cho mẹ con chị Thanh, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc. Còn hiện nay vẫn chưa có kết luận chính xác cuối cùng”.
Đầu tuần tới lạnh “chồng” lạnh, nhiệt độ miền Bắc tiếp tục giảm sâu
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Khí hậu – Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, các đợt không khí lạnh sẽ dồn dập và có cường độ mạnh hơn. Trong đợt gió mùa tiếp theo, nhiệt độ các tỉnh vùng núi phía Bắc giảm sâu còn 19-22 độ C.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở Bắc Bộ cũng như khu vực Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, với lượng mưa nhiều nơi, có rất nhiều điểm mưa to như Lục Yên (Yên Bái) 86 mm, Bắc Yên (Sơn La) 63 mm, Nho Quan (Ninh Bình) 71 mm, Bái Thượng (Thanh Hóa) 110 mm.
Khoảng cách giữa các đợt không khí lạnh rút ngắn hơn. Theo dự báo vào thời điểm này cho thấy, khoảng ngày 30/9 tới ngày 1/10 sẽ lại có thêm một đợt không khí lạnh mới ảnh hưởng tới nước ta.
Dưới tác động của đợt không khí lạnh tăng cường này, dự báo từ ngày 1-5/10 sẽ gây ra một đợt mưa vừa, mưa to diện rộng ở các tỉnh Trung Trung Bộ là khu vực từ Quảng Bình trở đến Quảng Ngãi.
Khí hậu miền Bắc sẽ khiến trời khô ráo hơn, tuy nhiên nền nhiệt khá thấp, thấp nhất về đêm và sáng.
Vùng đồng bằng sẽ giảm còn 22-23 độ, trong khi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nhiệt độ giảm khá sâu còn 19-22 độ, trời se se lạnh.
Dự báo trong tháng 10, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sẽ nhiều hơn, cụ thể là ngay đầu tháng 10 đã mở màn một đợt không khí lạnh mới.
Trường học ở Hà Nội không được tự quyết chọn sữa học đường
Trước những thắc mắc của phụ huynh về chất lượng, đơn vị cung cấp sữa học đường, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết trên Báo Dân Trí, Viện Dinh dưỡng sẽ quyết định các thành phần trong sữa; Sở Y tế chịu trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm; Sở Giáo dục sẽ quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống.
Các trường sẽ không được quyết định loại sữa học đường bởi không đủ năng lực và chương trình cần có tính thống nhất. Sữa sẽ được Bộ Y tế đặt hàng riêng, không phải chọn ngẫu nhiên. Các thành phần được cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng để phụ huynh kiểm tra.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam, Bộ Y tế chưa ban hành tiêu chuẩn cho sản phẩm sữa học đường. Viện Dinh dưỡng chỉ được giao nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ em, không có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn cho sữa học đường.
Hiện nay, các trường học vẫn thực hiện khảo sát năng lực thực hiện chương trình. Nếu tỷ lệ phụ huynh đăng ký chỉ khoảng 50%, đề án sẽ được triển khai.
Bên cạnh thắc mắc về giá cả, chất lượng sữa… nhiều phụ huynh nhận định khó có thể áp dụng sữa “đồng phục” cho tất cả học sinh, bởi mỗi một trẻ lại có một thể trạng khác nhau. Trẻ béo cần thực phẩm bớt calo và chất béo, ngược lại trẻ suy dinh dưỡng lại cần bổ sung, trẻ có thể bị dị ứng với từng dòng sữa.
Về vấn về này, TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay trẻ em thành phố có tỉ lệ béo phì tăng cao nhưng vẫn thiếu chất. Sữa không tăng thêm năng lượng, học sinh bị béo phì mà sẽ bổ sung các vi chất để tăng chiều cao, bổ sung chất đúng như kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày. “Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm. Trẻ thừa cân béo phì vẫn cần canxi và thừa cân béo phì không phải do sữa mà do chế độ ăn uống”, bà Nhung nói.
110 triệu Euro để mua 10 đoàn tàu tuyến Nhổn – Ga Hà Nội
Báo Kinh Tế Đô Thị thông tin, sáng 28/9, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã công bố kết quả khảo sát, lấy ý kiến người dân về mẫu thiết kế tàu đường sắt đô thị tuyến số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.
Trước đó, hơn 1.000 người đã được lựa chọn ngẫu nhiên để tham gia khảo sát trực tiếp, đóng góp ý kiến về thiết kế mẫu và nội thất của đoàn tàu. Hầu hết người được hỏi nằm trong độ tuổi 18-60 đang sinh sống, học tập và làm việc gần 8 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.
Kết quả khảo sát cho thấy, 80% ý kiến khảo sát đánh giá thiết kế đoàn tàu đẹp, hài hòa và hơn 90% cho biết sẵn sàng sử dụng khi đoàn tàu theo thiết kế đi vào hoạt động.
Trao đổi với VnExpress, Ông Đoàn Việt Dũng đại diện liên danh nhà thầu cho biết, liên doanh sẽ cung cấp 10 đoàn tàu cho dự án, mỗi đoàn chứa 950 người.
Ông Nguỵ Như Nguyện, đại diện Ban quản lý dự án cho biết, 10 đoàn tàu này giá trị 110 triệu Euro. Đoàn tàu đầu tiên sẽ về Việt Nam vào giữa năm 2020, các tàu còn lại sẽ về vào cuối năm để vận hành toàn tuyến trên cao 8 km. Hiện, tiến độ trên toàn tuyến đạt khoảng 45%, riêng đoạn đi trên cao (từ ga Nhổn đến Cầu Giấy) đạt 70%. Đến cuối năm 2022 sẽ thành toàn tuyến.
Tốc độ thiết kế của tàu tương ứng với các tàu đường sắt đô thị trên thế giới có vận tốc 80 km/h. Tuy nhiên, tốc độ thương mại sẽ chỉ khoảng 35-38 km/h do khoảng cách giữa các ga ngắn và phụ thuộc vào trình độ vận hành của Việt Nam.
Sau khi được UBND TP. Hà Nội chính thức phê duyệt, mẫu thiết kế đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, mới được phía Alstorm (Pháp) sản xuất.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News