Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU 29/9: Bộ GD&ĐT lại khẳng định không cấm học sinh viết vào SGK, Chủ tịch Hà Nội nói về việc 500 trụ sở xã phường ‘khoác đồng phục’

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 29/9 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Bộ GD&ĐT lại khẳng định không cấm học sinh viết vào sách giáo khoa

Báo Zing thông tin, chiều 28/9, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, dư luận chưa hiểu đúng về chỉ thị của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nên có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT ra chỉ thị trên nhằm yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh hạn chế việc viết vào sách chứ không cấm hoàn toàn. Đây không phải yêu cầu bắt buộc mà chỉ khuyến khích giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn để học sinh không chỉ biết giữ gìn, bảo quản sách, mà còn có ý thức tốt trong việc sử dụng sách lâu dài.

“Học sinh không viết vào sách giáo khoa khi làm bài tập không có nghĩa các em phải chép toàn bộ mẫu bài tập vào vở. Sách giáo khoa ở một số môn khoa học tự nhiên có bảng số liệu để trống, đây là mẫu. Trong quá trình học, các em phải được giáo viên hướng dẫn làm “nháp” trước để có thể biết đáp án đúng hay sai, rồi sau đó ghi vào vở”, ông Thành nói.

Chỉ thị của Bộ trưởng GD&ĐT ngày 24/9 về không viết, vẽ vào sách giáo khoa. (Ảnh: Zing)

Mặt khác, ông Thành cũng cho biết khi biên soạn sách giáo khoa, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh làm các thí nghiệm, xây dựng hệ thống bài tập đa dạng nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp từng phần nội dung, kiến thức.

Do vậy, trong quá trình dạy học, giáo viên cần sử dụng các dạng bài tập đó xem như là tình huống để tổ chức thảo luận, hướng dẫn học sinh ghi vào vở phương án trả lời dự kiến; giải thích lý do lựa chọn để trình bày, thảo luận và đưa ra phương án đúng.

Cụ thể, sách giáo khoa có bài tập yêu cầu nối ô chữ với hình ảnh. Khi dạy, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh xem bài tập và ghi vào tập vở đáp án mà các con lựa chọn. Sau đó, học sinh sẽ phải giải thích tại sao mình lại lựa chọn nối như thế.

Thiết kế sách Toán lớp 1. (Ảnh: Zing)

Cũng theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, chỉ thị trên không chỉ hướng vào sách giáo khoa mà còn đề cập vấn đề sử dụng sách tham khảo.

Trước đó, ngày 24/9, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ra chỉ thị về việc học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa, gây lãng phí.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền. Đồng thời, các cơ sở hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách.

Học sinh lớp 3 viết vào SGK. (Ảnh: Zing)

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng chỉ thị này khó khăn trong quá trình giảng dạy, thậm chí có phần bất khả thi với SGK được thiết kế như hiện nay. Bộ ra chỉ thị như thế đã vi phạm đến quyền sở hữu tài sản của học sinh.

Hơn 200 vụ sét đánh, chim va vào máy bay trong một tháng

VnExpress đưa tin, đại diện Jetstar Pacific cho biết, 82% chuyến bay chậm chuyến của hãng trong tháng 8 là do nguyên nhân khách quan như thời tiết, chim va, sét đánh, vật ngoại lai, kẹt đường băng và không lưu.

Đã có 54 vụ sét đánh vào máy bay, 154 vụ chim va vào máy bay, tập trung ở các sân bay như Phú Quốc, Đồng Hới, Vinh.

Sân bay Đồng Hới, nơi một máy bay của Jestar Pacific đã phát hiện dấu hiệu va vào chim ngày 9/7. (Ảnh: VnExpress)

Sau các sự cố này, đội kỹ thuật phải kiểm tra để chuẩn bị cho các chuyến tiếp theo. Tuy nhiên, tại các sân bay lẻ, chưa đủ điều kiện phải điều kỹ thuật từ nơi khác đến gây mất nhiều thời gian. (Chi tiết)

Chủ tịch Hà Nội nói về việc 500 trụ sở xã phường ‘khoác đồng phục’

Hà Nội sẽ xây dựng các trụ sở xã, phường chung một công năng chứ không phải cùng kiểu kiến trúc dạng “đồng phục”.  

Đó là giải thích của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại Hội nghị giao ban trực tuyến diễn ra chiều 28/9.

Ông Chung cho biết, Hà Nội đang có 73 xã, phường chưa có trụ sở. Bởi vậy, thành phố đã yêu cầu xây dựng các trụ sở này có chung một công năng, khác với việc có chung một kiểu kiến trúc.

Vietnamnet dẫn lời ông Chung, phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn ở Hà Nội đang được cơ quan chuyên môn tổng hợp ý kiến đóng góp của các quận, huyện. (Chi tiết)

“Phương án kiến trúc trụ sở Đảng ủy – HĐND – UBND Thành phố Hà Nội” đã đưa ra 6 mẫu trụ sở khác nhau. (Ảnh: Thanh Niên)

Bắt hai kiểm lâm ở Quảng Nam trong vụ 33 cây lim hàng trăm năm tuổi bị chặt

VnExpress đưa tin, ngày 29/9, công an huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã khởi tố vụ án, bắt A Vô Tô Vích – Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Chà Vàl (Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung) và Nguyễn Nhị – kiểm lâm xã Chà Vàl về hành vi Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai người bị cáo buộc có liên quan đến vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 1 và 3 (tiểu khu 335, xã Chà Vàl) khiến 33 cây gỗ lim vài trăm năm bị chặt hạ.

A Vô Tô Vích bị khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: Dân Trí)

Hồi tháng 3, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục cây lim quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm tại Rừng phòng hộ Nam Sông Bung (thôn Cần Đôn) bị chặt hạ. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 235,111 m3, trong đó có 223,121 m3 gỗ lim xanh và 11,990m3 gỗ xoan đào, theo Báo Người Lao Động.

Quốc và Việt – hai nghi can cầm đầu vụ phá rừng lim quy mô lớn. (Ảnh: Thanh Niên)

Công an huyện Nam Giang xác định Võ Quốc (sinh năm 1982) và Võ Đức Việt (sinh năm 1985; cùng ở huyện Đại Lộc) là nghi phạm chủ mưu phá rừng. Sau một thời gian trốn truy nã, hai đối tượng đã ra đầu thú.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version