Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 03/8 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La tiêu hủy 16 đĩa CD bài thi có thể bị phạt tù đến 7 năm

Luật sư Đinh Công Luân cho Báo Dân Việt biếtviệc tiêu hủy 16 đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc cùng một số tài liệu ở nghĩa trang TP. Sơn La chứng tỏ người tiêu hủy biết đây là việc làm vi phạm pháp luật nên mới tiêu hủy chứng cứ.

Tại mục 5, điều 1, Thông tư số 11 của Bộ Công an nêu rõ: Các tài liệu liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ Mật trong ngành giáo dục và đào tạo.

Theo điều 337 “Tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước” của Bộ luật Hình sự quy định:

Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Như vậy, nếu Trần Xuân Yến bị khởi tố thêm tội “Tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước” thì ông này có thể đối mặt với mức án lên đến 7 năm tù giam.

Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố Trần Xuân Yến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Trước đó, theo Người Đưa Tin, ngày 18/7, sau khi kiểm tra điểm thi bất thường tại Sơn La, đoàn thanh tra Bộ GD&ĐT xác định Trần Xuân Yến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh này đã tham gia sửa 13 bài thi tự luận.

Lo sợ tổ công tác sẽ phát hiện và khôi phục được dữ liệu gốc nên Yến đã hướng dẫn Nguyễn Thị Hồng Nga – chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng in sao dữ liệu ra đĩa CD, dùng phần mềm xoá các file dữ liệu bài thi gốc trong máy tính.

Sau đó, Yến tự mình đem tiêu huỷ 16 đĩa CD này cùng một số tài liệu tại nghĩa trang ở TP. Sơn La.

Theo cơ quan chức năng, hành vi của Yến ngoài dấu hiệu tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn như khởi tố còn có dấu hiệu của việc chiếm đoạt, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước trong ngành giáo dục.

Gần 600 học sinh vùng ‘rốn lũ’ Chương Mỹ chưa thể đến trường

Gần 600 học sinh vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ chưa thể đến trường
Trường tiểu học Nam Phương Tiến chìm sâu trong lũ. (Ảnh: Thanh Niên)

Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết trên Báo Lao Động, đây là số học sinh của 3 trường mầm non, tiểu học và THCS bị nhấn chìm trong lũ.

“Công tác chuẩn bị lớp học của các trường bị ngập chủ yếu phụ thuộc vào con nước, nước rút nhanh thì học sớm, rút muộn thì học muộn. Để linh hoạt và chủ động giảng dạy, cứ nước rút đến đâu, nhà trường sẽ vệ sinh đến đây. Nếu không mưa tiếp thì đến đầu tháng 9 có thể tổ chức lớp học cho các cháu”, ông Thắng thông tin.

Gần 600 học sinh vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ chưa thể đến trường
Một em nhỏ bơi phao tự chế đi lấy mỳ tôm cứu trợ tại làng Nam Hài. (Ảnh: Như Quỳnh)

Ngày 2/8, theo kế hoạch giảng dạy của Trường tiểu học Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), giáo viên và học sinh bắt đầu trở lại trường học tập, chuẩn bị cho mùa khai giảng năm học mới. Nhưng hiện chỉ có giáo viên tập trung để dọn vệ sinh ở phòng học.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Loan – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Phương Tiến A chia sẻ trên Báo Thanh Niên, con đường từ đầu làng Nam Hài qua làng Hạnh Bồ đến trường dài gần 2 km, nơi ngập sâu nhất là đến ngang ngực người, phải đi bằng thuyền hoặc công nông. Đến chỗ nước nông thì xuống đi bộ. Khi còn cách trường 700m, giáo viên lại lên thuyền để đến các khu nhà dạy học.

Gần 600 học sinh vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ chưa thể đến trường
Giáo viên tranh thủ đến đến dọn dẹp trường lớp khi nước rút. (Ảnh: Thanh Niên)

Để theo kịp chương trình học tập của các trường trong huyện và cả nước, các trường ở vùng lũ phải tăng ca học, mỗi ca sẽ học thêm một tiết và học thêm vào sáng thứ Bảy hàng tuần.

Những tiết học bổ sung này, nhà trường sẽ không dạy các môn khoa học, chủ yếu dạy và học các môn có tính giải trí như nhạc, họa, thể dục…để giảm áp lực cho học sinh và giáo viên.

Gần 600 học sinh vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ chưa thể đến trường
Bữa trưa của những giáo viên dọn trường nơi rốn lũ chỉ có bánh mì và ít thực phẩm mang đi từ nhà. (Ảnh: Thanh Niên)
Gần 600 học sinh vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ chưa thể đến trường
Nhiều hộ dân bị cô lập tại vùng ngập sâu của xã Nam Phương Tiến được người dân dùng thuyền tới đưa mỳ cứu trợ. (Ảnh: Như Quỳnh)

Anh Nguyễn Văn Tân (làng Nam Hài) có 2 con đang đi học chia sẻ, việc các cháu nhập học muộn sẽ rất khó khăn đối với gia đình, bởi các cháu còn nhỏ, nếu chưa đi học thì gia đình phải nghỉ ở nhà trông nom. Hơn nữa, sau khi nước rút, ngoài việc chuẩn bị đồ dùng học tập, sắp xếp thời gian cho các cháu thì gia đình còn phải tập trung để khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại.

Gần 600 học sinh vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ chưa thể đến trường
Toàn bộ hệ thống trường học của xã Nam Phương Tiến bị lũ ngâm trong nhiều ngày qua. (Ảnh: Thanh Niên)

Nam Phương Tiến là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ngập lụt của huyện Chương Mỹ. Ngoài việc, học tập của các em học sinh bị gián đoạn, tính đến thời điểm này, xã Nam Phương Tiến bị thiệt hại 235 ha lúa, 115 ha hoa màu, 264 con lợn, 32.000 gia cầm, 85 ha thủy sản…, ước tính lên tới 120 tỷ đồng.

Hơn 10.000 con gia cầm nhiễm cúm A/H5N6 ở Hải Phòng

Ngày 2/8, ông Lê Văn Cường – Phó chủ tịch huyện An Dương (Hải Phòng) cho VnExpress biết, vừa phát hiện dịch cúm A/H5N6 bùng phát tại 2 xã An Hồng và An Hưng khiến hơn 10.000 con gia cầm chết hoặc phải tiêu hủy.

Nhà chức trách đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm, phun thuốc khử trùng, sát khuẩn 2 trang trại; hướng dẫn các hộ chăn nuôi lân cận chủ động phòng chống dịch.

UBND huyện An Dương cũng sẽ lập chốt kiểm soát dịch cúm A/H5N6 tại 2 xã trong vòng 20 ngày, theo Báo Thanh Niên.

Hơn 10.000 con gia cầm nhiễm cúm A/H5N6 ở Hải Phòng
Thu gom, tiêu huỷ gia cầm nhiễm cúm A/H5N6 tại Hải Phòng. (Ảnh: VnExpress)

Ngày 27/7, ông Hoàng Văn Mấm (xã An Hồng) phát hiện đàn vịt 4.650 con xuất hiện triệu chứng tiêu chảy và chết rất nhanh.

Ngày 15/7, đàn gia cầm hơn 5.500 con gồm gà, vịt, ngan của gia đình ông Nguyễn Đức Trường (thôn Đông Hải, xã An Hưng) cũng chết hàng loạt dù đã được tiêm phòng dịch.

Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hải Phòng đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy 6/6 mẫu dương tính virus cúm A/H5N6.

Trước đó, ngày 22/2, gần 3.000 con gà nhiễm cúm của gia đình ông Mai Văn Tình, xã Đại Bản (huyện An Dương) bị tiêu hủy, theo Môi Trường & Cuộc Sống.

Hơn 10.000 con gia cầm nhiễm cúm A/H5N6 ở Hải Phòng
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực có dịch cúm gia cầm. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ riêng tại Hải Phòng, sáng 2/8, hơn 2.400 con vịt, 8 con gà tại trang trại của ông Cao Xuân Hảo, trú xã Diễn Liên (Nghệ An) cũng bị đưa đi tiêu hủy.

Tháng 1/2018 tại Diễn Châu, lực lượng chức năng đã phát hiện ổ dịch cúm H5N1 và tiêu hủy hơn 700 con gà.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một buổi chiều thư giãn!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News