Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU 8/11: Nghi vấn trong vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc; Lão nông Hậu Giang trồng vú sữa có màu vàng óng

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 8/11 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc: Nghi vấn dữ liệu trong hộp đen và dấu hỏi về phanh giảm tốc

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang Thân Quốc Hùng, HĐXX đã hiểu sai và áp dụng quy định “giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước” và “giữ khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn số ghi trên biển báo” không chính xác. Việc giữ khoảng cách là đối với hai xe đang chạy cùng chiều, chứ không phải một xe tiến và một xe lùi.

Ông Hùng cho rằng, tài xế Ngô Văn Sơn khai nhận điều khiển xe Innova chạy lùi. Điều này được hiểu là dù anh Hoàng có dừng xe lại mà xe Innova vẫn lùi thì không thể giữ đúng được khoảng cách. Bởi vậy, việc áp dụng pháp luật đối với tình huống này chưa chính xác.

Bên cạnh đó, lỗi thứ 2 được cơ quan tố tụng xác định đối với bị cáo Hoàng là hành vi không giảm tốc độ khi phát hiện chướng ngại vật. Sở dĩ HĐXX đưa ra phán quyết này là dựa vào kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và lời khai của nhân chứng Phạm Xuân Trung (ngồi trên cabin xe container với Hoàng).

Tuy nhiên, nhân chứng Trung lại ngủ khi xe container lưu thông. Khi Hoàng phanh gấp khiến người này nhào về phía trước, mới biết xảy ra tai nạn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng khai lúc thấy xe Innova chạy cùng làn đã rà phanh, vận tốc lúc đó là 65-70 km/h. Đến khi phát hiện xe chạy lùi, Hoàng định chuyển làn, nhưng không được nên đạp phanh “chết”. Tuy nhiên, với độ nặng của xe container không thể phanh ngay được.

Mặt khác, kết luận giám định thể hiện tài xế không giảm tốc độ đến khi xe dừng hẳn, nhưng có 52 giây thiết bị giám sát hành trình bị mất dữ liệu. Đây cũng là điểm mấu chốt cần phải làm rõ để xác định tài xế Hoàng có dùng phanh giảm tốc độ khi phát hiện xe Innova hay không.

Theo bị cáo Hoàng (phải), xe Innova đang đi lùi giữa làn đường của Hoàng đang chạy. Hoàng phản bác ý kiến của HĐXX xác định xe Innova là chướng ngại vật, vì xe của Sơn không phải là chướng ngại vật chết. (Ảnh: VnExpress)

Trong cuộc trao đổi với Báo Pháp Luật TP. HCM, luật sư Phạm Công Hùng – nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, cơ quan điều tra cần thực nghiệm vụ án để làm rõ 4 vấn đề:

Dưới góc độ khoa học, Tiến sĩ – Đại tá Hoàng Mạnh Hùng (nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự) chia sẻ với Zing, cần thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn để đánh giá bản chất vụ va chạm.

Tiến sĩ – Đại tá Hoàng Mạnh Hùng trao đổi vụ việc với Zing. (Ảnh: Zing)

Về căn cứ để xác định được vị trí đâm va ban đầu, Tiến sĩ Hùng giải thích, sau khi va chạm, ôtô Innova bắt buộc phải dịch chuyển. Tuy nhiên, do xe bị đâm khi đang đi lùi nên phương tiện không thể tự tiến về phía trước, mà bị đẩy miết đi. Do đó, vết lốp ở các vị trí có thể đậm hoặc nhạt. Đây cũng là một trong những căn cứ để tìm ra điểm va chạm ban đầu.

“Theo tôi, một trong những dấu vết hữu ích nhất trong vụ án này đó là các vết cao su trên đường. Công tác giám định nên tập trung vào các vết này”, ông Hùng nói.

Vết phanh của xe container tai hiện trường. (Ảnh: Zing)

Ngoài ra, nguyên Phó viện trưởng cũng gợi ý việc công khai tình tiết khám nghiệm. Từ đó, khẳng định tỷ lệ vi phạm của mỗi tài xế ở mức độ nào mà có hình thức xử lý xác đáng.

Về nghi vấn quan trọng nhất là xe đầu kéo phanh từ 62 km/h về 0 km/h trong vòng 1 giây, ông Hùng khẳng định: “Với một chiếc xe tải trọng lớn, chở theo hàng chục tấn thép thì rất vô lý để giảm tốc độ từ 62 km/h về 0 chỉ trong vòng 1 giây”.

Theo quán tính của xe container, việc giảm tốc độ từ 60 km/h về các mốc thấp hơn hoặc về 0 km/h cần một khoảng thời gian và quãng đường ít nhất hàng chục mét. Xe càng nặng thì quán tính càng lớn. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ tình tiết này, nhằm tính toán quãng đường cần thiết để xe đầu kéo dừng hẳn. Có thể đo đạc thêm chiếc Innova đã bị đẩy đi bao xa, tính từ điểm đâm va ban đầu.

Tiến sĩ Hùng cũng nói thêm, khi cách xe Innova vài chục mét, Hoàng đã phát hiện và bắt đầu giảm tốc độ bằng cách phanh từ từ. Tuy nhiên, khi chỉ còn cách vài giây xử lý, tài xế xe đầu kéo thấy nguy hiểm nên giẫm “chết” phanh. Lúc đó, theo quán tính, đầu kéo và rơ moóc còn trôi thêm một đoạn dài, đã đâm vào ôtô còn lại.

“Đây là sự kiện bất khả kháng đối với tài xế. Tôi cho rằng bản án 6 năm tù là quá nặng. Nếu quy kết Hoàng không làm chủ, thì đó là đã không làm chủ được tình huống bất ngờ”, Zing dẫn lời ông Hùng.

Lão nông Hậu Giang trồng vú sữa có màu vàng óng

Báo Dân Việt thông tin, ông Trần Văn Rỡ (81 tuổi, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) là người sở hữu giống vú sữa này.

Nhiều năm trước, ông Rỡ được một người bà con cho gần 100 cây giống vú sữa lạ trồng thử, nhưng đến nay chỉ còn sống được 3 cây. Giống vú sữa này cho quả vỏ mỏng, thịt dày, vị thanh, mát lạnh và ít hạt.

“Khi cây lớn nhìn rất lạ bởi thân, lá giống cây trứng gà, quả chín là có màu vàng. Mấy người trong nhà không ai dám thử, còn tôi liều thử thì thấy rất ngon”, ông Rỡ vui vẻ cho biết.

Mỗi quả vú sữa nặng từ 250-500 gr. (Ảnh: Người Lao Động)
Quả có vỏ mỏng, thịt dày, ít hạt và vị thanh ngọt. (Ảnh: Dân Việt)

Theo Báo Người Lao Động, ông Rỡ từng đem quả vú sữa này mời người quen ở Đài Loan thì được người này xác nhận đây chính là vú sữa Đài Loan.

Cây vú sữa của gia đình ông Rỡ cho quả quanh năm nhưng chỉ để dành cho gia đình hoặc biếu tặng chứ chưa bán cho ai. Lão nông chia sẻ, giống vú sữa Đài Loan này dễ trồng, không phải dùng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật lại có thể ra quả quanh năm. Mỗi lần thu hoạch khoảng 150-200 quả, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 250-500 gr. Gia đình ông đang định phá bỏ diện tích dâu để trồng thêm.

Gia đình ông Rỡ đang mở rộng thêm diện tích vú sữa Đài Loan. (Ảnh: Người Lao Động)

Chủ một vựa trái cây tại Cần Thơ cho biết, giống vú sữa Đài Loan khi ra thị trường còn có tên gọi khác là “vú sữa hoàng kim” vì quả có màu vàng óng. Loại quả này thường có ở các tỉnh miền Tây nhưng ít người trồng. Do có màu sắc bắt mắt và mùi vị thanh ngọt nên rất đắt hàng và giá cũng khá cao.

VKSND tỉnh Phú Thọ đính chính cáo trạng vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Theo Báo Người Lao Động, ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ đưa cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an) và 91 bị can khác trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ra xét xử về các hành vi: Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, do sơ suất trong quá trình soạn thảo văn bản, cáo trạng truy tố các bị can có sai sót nên VKSND tỉnh Phú Thọ đính chính lại.

Cáo trạng sẽ không đưa tên bị can Nguyễn Duy Thịnh vào phần quyết định truy tố do đã tạm đình chỉ điều tra vì người này bỏ trốn, đang bị truy nã, chưa bắt được.

Bên cạnh đó, không đưa tên bị can Trần Viết Trường trong mục truy tố về tội Tổ chức đánh bạc (tại điểm b khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009) vì đã bị truy tố về hai tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc.

Bổ sung thêm 2 bị can là Nguyễn Đình Chiến và Hoàng Thị Hà về tội Mua bán trái phép hóa đơn (theo điểm d, đ khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017) vì đã được quy kết tội trạng trong phần Kết luận và Lý lịch bị can.

Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Văn Dương. (Ảnh: Dân Trí)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version