Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 21/5: TP. HCM thu hồi gần11.000 m2 đất công để xây trường học, EVN đề xuất điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt

Điểm Tin Chiều 21/5. (Ảnh tổng hợp)

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 21/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

TP. HCM thu hồi gần11.000 m2 đất công để xây trường học

Để xây trường học phục vụ người dân quận 10, thành phố thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong vào năm 2020.

UBND TP HCM vừa quyết định sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ khu đất “vàng” rộng gần 11.000 m2 tại góc đường Lê Hồng Phong – Vĩnh Viễn (phường 2, quận 10) khi hết hạn hợp đồng cho Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (GSG) vào năm 2020, theo VnExpress.

Thông tin trên được nêu trong văn bản số 270 ngày 17/5 của Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Thường trực UBND TP về điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường 2,3,4,9,10,11 tại khu đất số 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10.

Khu đất 419 Lê Hồng Phong hiện Thành Bưởi đang thuê lại của Giày Sài Gòn và dùng giao dịch vận tải hàng hóa. (Ảnh: Bizlive).

Khu đất được giao cho cho UBND quận 10 đầu tư xây dựng trường THSC đạt chuẩn nhằm bổ sung vào quỹ đất giáo dục phục vụ người dân.

Động thái này được đưa ra sau khi Thường trực UBND TP HCM xem xét và nhận thấy quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận 10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là quỹ đất dành cho trường THCS chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ học sinh.

(xem thêm)

EVN đề xuất điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt

Ngày 21/5, chủ tịch EVN cho biết sẽ dựa trên số liệu lượng điện tiêu thụ và kinh nghiệm của thế giới để đề xuất phương án biểu giá điện mới, theo VnExpress.

Trao đổi với báo chí về những phản ánh của người dân sau khi tăng giá điện, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch EVN khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng của khách hàng cho Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Việc này nhằm đánh giá tác động gián tiếp về ảnh hưởng sau đợt tăng giá điện, gồm so sánh điện năng tiêu thụ từng tháng với cùng kỳ năm trước và trước khi tăng giá điện.

Công nhân EVN Hà Nội sửa chữa điện. Ảnh: Ngọc Thành

Sau khi giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3, nhiều hộ gia đình phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao đột biến, thậm chí gấp đôi, ba lần thông thường. Thủ tướng sau đó đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các bộ thanh tra việc tăng giá, phương pháp tính và thu tiền của các hộ dùng điện.

Tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho hay, nếu tính đầy đủ, giá bán lẻ điện bình quân có thể phải tăng 9,26% thay vì mức tăng 8,36% như vừa qua. Lý do là mức tăng này chưa tính toán khoản 3.260 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018.

Ông Dương Quang Thành cho biết, EVN đang xây dựng đề án thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và sẽ trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 7.

Để đẩy nhanh tiến độ, EVN cho hay sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng thị trường điện, hoàn thành dự thảo các quy định pháp lý trình Bộ Công Thương ban hành và tách các đơn vị bán lẻ để cổ phần hoá theo lộ trình.

Để thực hiện thị trường điện bán lẻ từ 2021, theo quyết định của Thủ tướng, EVN cổ phần hoá 3 tổng công ty phát điện, chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) hạch toán độc lập và cổ phần hoá khâu dịch vụ bán lẻ. Sau 2 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, EVN sẽ lập phương án thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty này, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Vụ bé 9 tuổi xin hoàn thuế đồng hồ 6 tỷ ở sân bay Nội Bài: Tổng cục Hải quan lên tiếng

Liên quan đến việc cháu bé 9 tuổi người Australia mới mua chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng và đề nghị hoàn thuế tại sân bay Nội Bài, Tổng cục Hải quan vừa chính thức lên tiếng.

Phó cục trưởng Hải quan TP. Hà Nội Lê Ngọc Khiêm vừa ký văn bản gửi Tổng cục Hải quan nêu một số vướng mắc khi xử lý việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài, theo báo Zing.vn.

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, Chi cục Hải quan tại sân bay quốc tế Nội Bài gặp trường hợp một cháu bé 9 tuổi mang quốc tịch Australia đứng tên tờ khai đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng với tư cách người mua hàng. Hàng hóa được cháu bé Australia mua là một chiếc đồng hồ có giá 6 tỷ đồng.

Đối với trường hợp này, Tổng cục Hải quan cho biết, cháu bé có hai hộ chiếu Việt Nam và Australia. Khi xuất cảnh đã xuất trình hộ chiếu Việt Nam, do vậy, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài – Cục Hải quan TP Hà Nội đã từ chối hoàn thuế VAT đối với trường hợp này do không thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 72/2014/TT-BTC ngày 30-5-2014 của Bộ Tài chính, theo Vietnamnet.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, Thông tư số 72/2014/TT-BTC chưa quy định cụ thể về độ tuổi của người đề nghị hoàn thuế. Do vậy, để ngăn ngừa các trường hợp có thể lợi dụng chính sách, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Một số thông tin cho rằng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài đã tỏ ra lúng túng và xin ý kiến Tổng cục Hải quan.

1.000 tấn cá lồng bè chết trắng sông La Ngà

Tính đến chiều 20/5, có 81 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) kê khai bị thiệt hại gần 1.000 tấn cá.

Ngày 21/5, báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ ông Ngô Tấn Tài – phó chủ tịch UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) – cho biết đến nay đã có 81 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà kê khai thiệt hại gần 1.000 tấn cá chết trong “thảm họa” ngày 16/5.

Theo đó, tính đến hết ngày 20/5, có 81 hộ dân (tổng cộng 308 vèo và 26 bè) của 2 xã La Ngà và Phú Ngọc bị thiệt hại 976,4 tấn cá, bao gồm các loại cá điêu hồng, lăng, nheo, mè.

(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trước đó, ngày 17/5, UBND huyện Định Quán có báo cáo nhanh về số lượng cá chết của các hộ nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà, đoạn thuộc địa bàn 2 xã Phú Ngọc và La Ngà. Theo báo cáo, có 16 hộ nuôi cá lồng bè của 2 xã bị thiệt hơn 330 tấn cá.

Giải thích về sự chênh lệch trên, ông Tài cho biết huyện chỉ báo cáo theo tiến độ, từng thời điểm, vẫn chưa có con số cuối cùng. Hiện huyện tiếp tục cử lực lượng tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại của người dân nuôi cá nhằm có số liệu chính xác nhất.

Clip: Cá lồng bè chết trắng sông La Ngà đã lên đến gần 1.000 tấn. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Ông Tài cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên – môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, sớm có kết quả phân tích, điều tra nguyên nhân cá chết nhằm giúp địa phương có định hướng thực hiện trong thời gian tới.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều may mắn và yêu thương!

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version