Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 26/5 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:
Bắt giám đốc công ty nghiền than tre để làm thuốc chữa ung thư
Vào ngày 24/5, công an Hải Phòng đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Văn Tuấn (33 tuổi), trú tại xã Hồng Phong, huyện An Dương (Hải Phòng), về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thực phẩm, VnExpress đưa tin.
Ông Nguyễn Văn Tuấn là Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Phong, chuyên đốt tre lấy than để cung cấp cho Công ty TNHH Vinaca do Nguyễn Xuân Thu làm giám đốc. Số than này được Thu dùng sản xuất sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư.
Cơ quan điều tra xác định Tuấn có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Nguyễn Xuân Thu thực hiện hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả thực phẩm quy định tại Điều 193 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết công ty ông không trực tiếp sản xuất các sản phẩm đã đăng ký mà được Nguyễn Xuân Thu thuê thực hiện việc đốt tre nứa và nghiền thành bột mịn rồi mang giao cho Thu.
Ông Tuấn cho rằng bản thân cũng không biết Thu sử dụng bột than tro này để làm gì, tuy nhiên khi được thuê làm công việc này thì ông làm.
Xử lý người quay clip bạo hành trẻ ở cơ sở Mẹ Mười – Đà Nẵng tung lên mạng
Vào ngày 25/5, cơ quan chức năng đã mời người quay video bạo hành tại nhóm trẻ Mẹ Mười (phường Chính Gián, Đà Nẵng) đến làm việc. Người này từng làm tại nhóm trẻ, video, hình ảnh quay từ tháng 4, nhưng ngày 21/5 mới tung lên mạng xã hội, theo VnExpress.
Người bảo mẫu quay video này trong hơn một tháng đã không tố cáo đến cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp, phòng ngừa bạo hành trẻ em. Chính vì thế, cơ quan chức năng sẽ xử lý người quay clip này theo các quy định của pháp luật.
Gần 500 thôn nữ Tây Ninh bị lừa bán sang Trung Quốc với giá trăm triệu
Theo Người Lao Động, trong khoảng 10 năm qua, có ít nhất 478 phụ nữ ở Tây Ninh bị ra bán ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
Từng là nạn nhân của những kẻ buôn người, Nương cho biết 6 năm trước, cô làm nghề bán rau quả ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Sau đó, Nương được một phụ nữ cùng xóm rủ sang Trung Quốc ăn đám cưới con bà ta rồi về trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, khi đến Tp.Nam Ninh (Trung Quốc), người phụ nữ này bán Nương cho nhóm buôn người khác rồi lẳng lặng bỏ đi.
Nhờ hàng xóm chỉ đường, Nương đã trốn thoát về Việt Nam sau 4 tháng sống cảnh “ngục tù” tại Trung Quốc. Về tới Tây Ninh, Nương tố cáo sự việc đến công an, người phụ nữ lừa bán Nương bị bắt giữ.
Hiện nay, nhiều người đàn ông Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho mạng lưới buôn người săn tìm những thôn nữ tại Việt Nam và Tây Ninh là điểm “nóng” được những kẻ buôn người lựa chọn.
Thiếu tá Võ Tấn Dũng, Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh chống tệ nạn xã hội về mua bán người (PC45 Công an tỉnh Tây Ninh), cho biết hầu hết nạn nhân là các cô gái tuổi từ 18-30, trình độ thấp, gia cảnh khó khăn, sống ở những nơi hẻo lánh.
Từ năm 2007 đến nay, công an tỉnh Tây Ninh đã đấu tranh 60 vụ, trong đó có 49 chuyên án và 11 kế hoạch, bắt trên 350 đối tượng, giải cứu 306 nạn nhân.
Đã khởi tố 49 vụ với 250 bị can, trong đó có 21 bị can người Trung Quốc, 3 bị can người Malaysia, còn lại chủ yếu là người Việt Nam; xử phạt vi phạm hành chính 109 đối tượng với số tiền trên 700 triệu đồng.
Nhóm buôn người khai nhận đã đưa trót lọt 478 phụ nữ ra nước ngoài, hiện vẫn còn 198 nạn nhân vẫn chưa biết được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài. Trong đó, có nạn nhân bị bán nhiều lần, qua nhiều nơi khác nhau.
Luật sư của bác sĩ Hoàng Công Lương: Tòa dùng quy trình ngược để khép tội?
Trong phiên tòa chiều 25/5, luật sư Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi với Hội đồng xét xử, sự cố khiến 9 người chết xảy ra nửa năm, Bộ Y tế mới xây dựng hành lang pháp lý việc chạy thận, vậy tại sao tòa lại lấy quy định của Bộ là cơ sở để khép tội các bị cáo?
Chiều 25/5, tiếp tục phiên tòa thứ 9 xét xử vụ án 9 người chết sau sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hòa Bình, Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bác sĩ Lương) tranh luận với Viện kiểm sát (VKS) xoay quanh trách nhiệm của BVĐK Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh và Bộ Y tế.
Theo luật sư Phúc, trong 7 năm đưa đơn nguyên thận nhân tạo vào hoạt động, BVĐK Hòa Bình không ban hành quy trình chạy thận riêng, cũng như quy trình quản lý chất lượng nguồn nước RO.
Sau sự cố chết người, Bộ Y tế mới rà soát ban hành 52 quy trình, trong đó có 7 bước liên quan đến hệ thống lọc nước RO. Vì vậy, không thể quy tội bất cứ bị cáo nào ngồi đây, trong khi bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ có nhiệm vụ điều trị bệnh.
“Bộ Y tế phải trả lời cho chúng tôi biết về việc có hay không quy trình quy chế lọc máu. Từ đó mới có thể khẳng định trách nhiệm thuộc về ai?”, nữ luật sư yêu cầu.
Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một buổi chiều cuối tuần thư giãn!
———–—
Đại Kỷ Nguyên News