Sau 2/3 chặng đường của năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 9,11 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, văn phòng đại diện của doanh nghiệp tại New York (Mỹ) đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn với các đối tác của Mỹ như Nike, A&F và đang xúc tiến với tập đoàn thời trang GIII.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, doanh thu của TNG đã chạm mốc 2.359 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 117,7 tỷ đồng, tăng kỷ lục 154% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 93% kế hoạch cả năm 2018.
Trong cơ cấu xuất khẩu của “ông lớn” dệt may phía Bắc này, thị trường Mỹ chiếm 33,7% trong tổng giá trị xuất khẩu.
Chia sẻ trên Báo đầu tư, lãnh đạo TNG cho biết dựa vào hoạt động kinh doanh hiện có và đơn hàng đã ký, doanh thu cả năm 2018 của doanh nghiệp ước đạt 3.450 tỷ đồng, tăng 125%, và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 157 tỷ đồng, tăng gần 124%.
Theo lãnh đạo TNG, hai quý cuối hàng năm là khoảng thời gian có nhiều ngày lễ lớn trên thế giới nên doanh thu của doanh nghiệp thường tăng so với những tháng đầu năm.
Không chỉ TNG, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) trong 8 tháng đầu năm nay cũng rất khả quan. Cụ thể, tính đến tháng 8/2018, TCM đạt doanh thu hơn 2.467 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 7,9 triệu USD, tương đương 185,65 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch năm 2018.
Theo báo cáo ngành dệt may của Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 8 tháng năm nay đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 9,11 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.
Năm ngoái, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 12 tỷ USD, tương đương gần 50% tổng lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới.
Các chuyên gia dự báo ngành dệt may trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ những diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Việc tăng thuế sẽ khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, cũng như các công ty nội địa Trung Quốc chuyển hướng các đơn hàng và hoạt động sản xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại khiến đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.
Từ các tín hiệu tích cực trên, các doanh nghiệp và các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI, từ đó giúp xuất khẩu tăng.
VTV News dẫn lời đại diện Hiệp hội dệt may và thêu đan Tp.HCM cho biết có ít nhất khoảng chục doanh nghiệp của hiệp hội này đã tăng sản lượng và có thêm các đơn hàng mới từ thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung leo thang, ngành dệt may Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ, bao gồm nguy cơ hàng Trung Quốc đội lốt hàng hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Chia sẻ trên Sài Gòn Giải Phóng, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao nên phía Trung Quốc có thể sẽ tìm cách gắn mác các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân bởi Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, thuận tiện cho công tác logistics.
Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ như hiện nay, việc Trung Quốc chọn Việt Nam là một trong những nước trung gian để xuất khẩu sang Mỹ là một kịch bản có thể xảy ra.
Nguyễn Trang (Tổng hợp)