Đại Kỷ Nguyên

Doanh nghiệp nhỏ Việt điêu đứng trước cuộc tấn công của hàng tồn Trung Quốc

Các xưởng may mặc nhỏ đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng dư thừa của Trung Quốc tràn sang. (Ảnh: Dân trí)

Cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung đang khiến nhiều doanh nghiệp may mặc nhỏ của Việt Nam như “ngồi trên đống lửa” khi phải gồng mình cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa dư thừa của Trung Quốc tràn sang.

Là một doanh nghiệp may nhỏ với khoảng hơn 20 công nhân, anh M. ở Long Biên (Hà Nội) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, đặc biệt là áp lực từ hàng Trung Quốc giá rẻ.

Chia sẻ trên Dân trí, anh M. cho biết tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tạo ra một cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc khi các doanh nghiệp may mặc lớn của quốc gia đông dân nhất thế giới không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ thì sẽ buộc phải chuyển sang tiêu thụ trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc không cạnh tranh nổi sẽ phải mang hàng sang các thị trường khác như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia để tiêu thụ. Việc này ảnh hưởng rất lớn tới ngành sản xuất hàng may mặc trong nước.

Không những vậy, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang mất giá so với tiền Việt. Hai yếu tố này khiến cho nhiều doanh nghiệp may nhỏ ở Việt Nam buộc phải chuyển sang nhập hàng Trung Quốc thay vì sản xuất.

Theo anh M., giá áo của Trung Quốc đang rất rẻ, chỉ 35 nhân dân tệ/áo, tương đương với khoảng 100.000 đồng, rẻ hơn 20.000-30.000 đồng/áo so với hàng của anh.

Cũng theo anh M. nhiều doanh nghiệp may nhỏ của Việt Nam còn chuyển dịch cơ cấu sang nhập hàng Trung Quốc về thay nhãn mác.

Rõ ràng, việc lượng lớn hàng tồn Trung Quốc giá rẻ tấn công sang thị trường Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp may mặc Việt rất khó cạnh tranh, đặc biệt là những doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp.

Anh Dũng ở Hà Đông (Hà Nội) có một cửa hàng kinh doanh và một xưởng may váy công sở cho các bạn trẻ cũng loay hoay tìm đường rút bởi anh đang khởi nghiệp theo hướng tự thiết kế, tự sản xuất và bán hàng. Anh Dũng cho biết trước áp lực cạnh tranh quá khốc liệt từ hàng Trung Quốc, anh cũng đang phải tìm hướng nhập hàng Trung Quốc về bán thay thế nếu không muốn phá sản hoặc chuyển sang bán hàng rẻ tiền.

Anh Dũng chia sẻ, cách đây 2 tuần, các thương lái Trung Quốc thường chào vải và phụ liệu cho anh đã chuyển hẳn sang chào bán thành phẩm. Nguyên nhân là lượng hàng tồn ở Trung Quốc bây giờ đang rất lớn.

Liên quan đến ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế Việt Nam, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại Việt Nam sẽ là điểm đến của hàng Trung Quốc nhập lậu, kém chất lượng.

VTC News ngày 19/7 dẫn lời chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Các chính sách tăng thuế của Mỹ khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, giảm sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Do đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải tìm thị trường thay thế, trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý, tại thời điểm này, đồng nhân dân tệ giảm giá so với USD, còn tiền đồng đã ổn định trở lại trước USD. Điều đó có nghĩa nhân dân tệ giảm giá so với tiền đồng giúp hàng hóa Trung Quốc càng rẻ hơn nữa. Hàng giá rẻ tràn ngập thị trường sẽ giết chết doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc kiểm soát hàng hóa Trung Quốc là vấn đề rất khó. Theo vị chuyên gia này, chúng ta không thể bỗng dưng cấm nhập khẩu những loại hàng hóa vẫn giao dịch từ trước tới nay. Hàng hóa là do cung cầu trên thị trường xác định, không thể dùng biện pháp hành chính được.

Vì vậy, TS Hiếu tin rằng vấn đề nằm ở doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong cuộc chiến này, theo ông Hiếu, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên nêu cao tinh thần: Người Việt dùng hàng Việt. Đương nhiên, để người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt, bản thân các doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm gia tăng sức mạnh cạnh tranh.

Vỹ An

Exit mobile version