Đại Kỷ Nguyên

Doanh nghiệp và người dân châu Á khốn đốn vì đồng tiền mất giá

Hàng loạt doanh nghiệp và người dân tại các thị trường mới nổi đang phải gồng mình đối phó với tình trạng giá cả và lãi suất tăng cao.

Vàng luôn được xem là nơi trú ẩn an toàn cho giới đầu tư trong thời điểm khủng hoảng thị trường. Và người dân Indonesia đang đổ xô đi mua vàng trong bối cảnh đồng Rupiah của nước này đã mất giá 9% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay.

“Tác động của việc đồng Rupiah mất giá là người dân ùn ùn kéo nhau đi mua vàng”, Arie Prabowo Ariotedjo, chủ tịch công ty chuyên kinh doanh vàng Aneka Tambang của Indonesia, nhận định.

Theo Nikkei, công ty vàng quốc doanh Aneka Tambang đã bán được 13,7 tấn vàng trị giá 8,2 nghìn tỷ Rupiah (553,8 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, tăng 317% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này bằng khoảng 70% doanh thu của công ty cả năm 2017.

Ông Arie nhận định: “Nhu cầu vàng trong nước đang tăng trở lại. Giá vàng đã giảm nhưng đã bắt đầu tăng trở lại”.

Chỉ số ít các công ty như Aneka Tambang được hưởng lợi từ sự lao dốc của đồng Rupiah.

Nếu nhìn rộng ra khắp khu vực các nước mới nổi châu Á, không có nhiều công ty kinh doanh tốt như vậy. Rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi đồng nội tệ yếu đi bởi chính sách nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Ấn Độ, nơi đồng Rupee chạm mức 70 Rupee/USD lần đầu tiên tính từ tháng 8/2018, các hãng hàng không đang gặp khó bởi cả hai cú sốc: đồng tiền sụt giảm và giá nhiên liệu tăng cao. IndiGo – hãng hàng không tư nhân lớn nhất Ấn Độ, công bố lợi nhuận ròng giảm 97% so với cùng kỳ.

Hãng hàng không giá rẻ SpiceJet cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi lợi nhuận đã âm.

Tại nhiều nước mới nổi khác ở châu Á, nhiều doanh nghiệp và người dân cũng đang rơi vào tình trạng khốn đốn.

Cô Anna Berdin, y tá người Philippines, người thường xuyên gửi kiều hối về nước, cho biết: “Ngay cả khi đồng Peso mất giá, giá cả sinh hoạt vẫn tăng chóng mặt. Nhiều người Philippines làm việc lâu hơn tôi cũng cảm thấy rõ rệt được sự thay đổi”.

Đồng tiền của các nước giảm mạnh so với đồng USD. (Ảnh: Nikkei)

Kể từ đầu năm 2018, đồng Peso của Philippines đã giảm hơn 7% so với đồng USD. Đồng Peso đã có lúc chạm mức 53,7 Peso/USD – mức giá thấp nhất trong 12 năm. Lạm phát tháng 7/2018 của nước này tăng lên 5,7% – mức cao nhất trong vòng 5 năm.

Chuyên gia kinh tế Emilio Neri tại ngân hàng Bank of the Philippine Islands đánh giá: “Dường như lạm phát đang ăn mòn tất cả mức tăng trưởng của dòng kiều hối đổ vào Philippines. Hy vọng lạm phát sẽ chững lại vào năm 2019”.

Lượng kiều hối hàng năm đương tương với 1/10 tổng sản lượng kinh tế của Philippines. Lạm phát tăng cao tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước này. Trong quý II/2018, kinh tế Philippines tăng trưởng 6%, tốc độ tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Chỉ số tiêu dùng cũng đã giảm quý thứ hai liên tiếp.

Tuy nhiên, cô y tá Berdin nói thêm rằng hãy lấy làm vui vì ít nhất mình đang không sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đồng tiền đang mất giá và lạm phát tăng cao khiến nước này rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ dao động quanh mức 10% trong tháng 4 và đã tăng lên mức 15,85% trong tháng 7 khi đồng Lira của nước này suy yếu. Các chuyên gia dự đoán lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8 sẽ lên tới 20%.

Tại một siêu thị ở Istanbul, cà chua hiện có giá 5 Lira/kg.

“Phân bón được nhập khẩu, và chi phí nguyên liệu đang tăng lên. Việc tăng chi phí sẽ được phản ánh trong giá bán ngoài thị trường”, một chuyên gia giải thích.

Tổng Hợp

Exit mobile version