Đại Kỷ Nguyên

Doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc lao đao giữa cuộc chiến thương mại

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc vừa bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại vừa gặp khó trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng. (Ảnh: Getty Images)

Những nỗ lực giảm bớt núi nợ khổng lồ của Trung Quốc đã đẩy các doanh nghiệp nhỏ vào tình thế khó khăn khi khó có thể tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng.

Có thể đa số các nhà đầu tư đều đồng tình rằng Trung Quốc cần phải kiểm soát khoản nợ khổng lồ hiện đã cao gấp 3 lần kích thước của toàn bộ nền kinh tế. Thế nhưng, nỗ lực đó lại đang làm liên lụy tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đang chịu tác động trực tiếp từ cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung.

Theo CNBC, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn trong số doanh nghiệp Trung Quốc và cũng là những nhà tuyển dụng lớn. Thế nhưng, nhóm doanh nghiệp này phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc về các khoản vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ thường là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và đóng vai trò trung tâm trong xuất khẩu của Trung Quốc nên rất dễ bị tổn thương trước những đòn tấn công thương mại qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong một báo cáo công bố ngày 20/11, công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface (Pháp) nhận định các nỗ lực giảm bớt nợ của Trung Quốc đã đẩy những doanh nghiệp nhỏ vào tình thế khó khăn, khiến họ khó có thể tiếp cận với nguồn tài trợ để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh.

Một yếu tố quan trọng của chiến dịch giảm nợ là nhắm vào hệ thống tín dụng đen của Trung Quốc – một mạng lưới cho vay của các công ty hoạt động bên ngoài lĩnh vực ngân hàng chính thức nên ít bị giám sát về pháp lý, nhưng mức độ rủi ro lại cao hơn.

Tuy nhiên, theo Coface, những nỗ lực đó đang giáng một đòn nặng nề lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Cuộc trấn áp hoạt động “ngân hàng ngầm” đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn lưu động cũng như các nguồn tài chính dài hạn khác”, Carlos Casanova, nhà kinh tế phụ trách châu Á – Thái Bình Dương tại Coface, cho biết trong báo cáo.

Đồng quan điểm, William Ma, Giám đốc đầu tư tại Noah Holdings ở Hồng Kông, cũng cho rằng các công ty nhỏ đang gặp bất lợi trước các doanh nghiệp nhà nước khi xét về vấn đề tiếp cận nguồn vốn.

Theo vị chuyên gia này, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc là thiếu kênh tài trợ với mức lãi suất thị trường hợp lý để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của họ.

Thực tế, các nhà chức trách Trung Quốc cũng nhận thức được vấn đề này và đã đưa ra các tuyên bố công khai về tầm quan trọng của việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ.

Phát biểu trước báo giới ngày 19/10, Phó Thủ tướng Lưu Hạc – cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – đã khẳng định rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được giúp đỡ.

Sau đó không lâu, tại cuộc họp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các đại diện từ các doanh nghiệp tư nhân, ông Tập cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ, trong đó bao gồm cả cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, để những biện pháp này phát huy tác dụng cần phải có thời gian. Trong khi đó, tờ Bloomberg dẫn lời chuyên gia kinh tế Andrew Polk cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế khó có thể trở thành đòn bẩy giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi mạnh mẽ như trước kia khi các nhà quản lý Trung Quốc đưa ra quá nhiều mục tiêu mâu thuẫn trong cùng một thời điểm.

Vỹ An (Tổng hợp)

Exit mobile version