Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (58 tuổi, quê Thái Bình) – “cha đẻ” tàu ngầm mini Trường Sa 1 và Hoàng Sa tiếp tục chi 10 tỷ đồng để nghiên cứu, đóng tàu ngầm Trường Sa 2.
VnExpress thông tin, từ tháng 5 năm nay, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã bắt tay vào chế tạo tàu ngầm Trường Sa 2. Đây là thế hệ tàu ngầm mini thứ hai do chính tay ông thiết kế.
“Trường Sa 2 được xem như phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm kilo 636, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật khắt khe nhất của một tàu ngầm mini với hệ thống điều khiển điện tử tự động gần như hoàn toàn” – ông Hòa cho biết.
Theo thiết kế, tàu ngầm Trường Sa 2 dài 9 m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu 1,8 m, sức chứa tối đa 6 thủy thủ đoàn. Tàu có vận tốc 35 km mỗi giờ.
Trao đổi với Báo Dân Việt, ông Hòa khẳng định tàu ngầm Trường Sa 2 có thể lặn và hoạt động được dưới độ sâu 250 m, bán kính hoạt động khoảng 500 hải lý. Đây là con tàu ngầm hiện đại kết hợp những tính năng ưu việt của Trường Sa 1 và Hoàng Sa với khả năng đi xa và lặn sâu.
Để chịu được áp lực lớn ở độ sâu 250 m, vỏ và nhiều bộ phận tàu ngầm Trường Sa 2 được làm từ thép cường độ cao, loại khá đắt tiền. Thêm đó, để hệ thống động lực của tàu không sinh ra nhiều Hidro phải sử dụng loại pin với giá 1 khối lên tới hàng tỷ đồng. Ước tính, tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ tốn trên 10 tỷ đồng chi phí nghiên cứu, đóng mới.
Từ nhiều năm nay, nghiên cứu và chế tạo tàu ngầm đã là niềm say mê của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa. Dù quá trình nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ, chi phí… ông Hòa vẫn không từ bỏ niềm đam mê.
Sau thời gian dài nghiên cứu, năm 2013, ông Hòa đã hạ thủy tàu ngầm đầu tiên mang tên Trường Sa 1 với công nghệ AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập) và được nhiều nhà khoa học trong nước đánh giá cao.
Tiếp đó, năm 2015, tàu ngầm mini Hoàng Sa là phiên bản cải tiến của Trường Sa 1 đã ra đời với nhiều tính năng và công nghệ vượt trội, có thể chạy ngầm, lặn sâu và nổi lên mặt biển nhịp nhàng.
Ngày 3/7/2016, tàu ngầm Hoàng Sa của ông Hòa đã được tàu Hải quân hộ tống ra biển thử nghiệm. Tàu được chạy thử nghiệm trên vùng biển đông bắc Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng và lực lượng Hải quân và thực hiện nhiều lần lặn nổi liên tục trên biển.
Như Quỳnh (Tổng hợp)