Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm. Bộ NN&PTNT đã ra mắt bản đồ theo dõi để kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở khu vực này.
Theo Tuổi Trẻ, chiều qua (18/6) Bộ NN&PTNT công bố bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài.
Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng ĐBSCL đang ngày càng nghiêm trọng, do biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số… Điều này tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng ven sông, ven biển.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, việc kinh tế – xã hội phát triển nhanh chóng đang khiến bờ sông, bờ biển bị lấn chiếm. Nếu tiếp tục xây dựng nhà cửa, khai thác cát không hợp lý thì sạt lở sẽ ngày càng gia tăng.
Theo Thứ trưởng Thắng, việc thông tin cảnh báo sớm giúp chính quyền địa phương có biện pháp đối phó với những vùng có nguy cơ sạt lở đặc biệt cao, đảm bảo an toàn tính mạng và cuộc sống của người dân.
Bản đồ sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển vùng ĐBSCL bao gồm: hình ảnh vệ tinh, ảnh hiện trường, video, thông tin điểm sạt lở như chiều dài, độ sâu, tác động đến môi trường, con người… giúp cảnh báo sớm đối với người dân, hỗ trợ công tác tuyên truyền.
Zing dẫn lời ông ông Tằng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai cho hay, từ năm 2010, sau khi Trung Quốc hoàn thành các công trình thuỷ điện, hồ chứa thì sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo thống kê, hiện khu vực ĐBSCL có 562 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800 km, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm.
Theo ông Chính, trên thượng lưu sông Mekong có 19 hồ chứa lớn nằm trong quy hoạch, trong đó chủ yếu là của Trung Quốc với 6 hồ. Bên cạnh đó, việc gia tăng dân số tương đối lớn là sức ép với các công trình, nhà ở ven sông, ven biển.
Trước thực trạng trên, vị này dự báo vào cuối thế kỷ 21, khi nước biển dâng 1 m, ĐBSCL sẽ có nguy cơ bị ngập 39%.
An An