Với tiềm năng lớn về tăng trưởng kinh tế, Đông Nam Á đã vượt qua Trung Quốc trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản. Làn sóng này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, số lượng lao động của nước này làm việc ở các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2017 là hơn 83.000 người, tăng khoảng 32% so với năm 2012. Ở cùng thời điểm, con số này ở Trung Quốc đã giảm 16%, còn 70.000 người.
Số lượng lao động Nhật làm việc tại khu vực Đông Nam Á cũng ở mức cao nhất trên thế giới, vượt qua cả Bắc Mỹ và châu Âu.
Xu hướng giảm người lao động Nhật Bản ở Trung Quốc đã bắt đầu rõ nét từ 6 năm trước, khi các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản tại Trung Quốc liên quan đến căng thẳng tranh chấp lãnh thổ tăng cao. Bên cạnh đó, việc mức lương cơ bản ở Trung Quốc tăng và áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nội địa cũng khiến các doanh nghiệp Nhật Bản cắt giảm quy mô hoạt động tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Hồi tháng 9, hãng ôtô Suzuki đã quyết định ngừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc với lý do doanh số giảm. Nikon cũng có bước đi tương tự khi đóng cửa nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số tại tỉnh Giang Tô vào năm 2017. Honeys Holdings, công ty thời trang từng có 600 chi nhánh tại Trung Quốc cũng đang thoái vốn khỏi đây do áp lực cạnh tranh ngày càng cao từ các trang bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn ngược lại ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Chỉ riêng tại Thái Lan, trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017, số lao động Nhật Bản đã tăng 33% lên 33.000 người. Tại Singapore, số lao động Nhật cũng tăng 28% lên 13.000 người.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Đơn cử như Panasonic bắt đầu đẩy mạnh sản xuất phụ kiện ôtô phục vụ xuất khẩu tại Thái Lan và một số quốc gia khác, thay vì Trung Quốc.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang đổ vào Đông Nam Á. Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, năm 2017, nguồn vốn FDI từ Nhật Bản đến các quốc gia Đông Nam Á ước tính đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng gấp đôi năm 2012. Bên cạnh việc đầu tư vào các ngành sản xuất, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đổ nhiều vốn vào các ngành dịch vụ hơn. Trong khi đó, ở cùng thời điểm, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm 30% xuống còn 9,6 tỷ USD.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp của Mỹ và Hàn Quốc cũng ngày càng "xa lánh" Trung Quốc. Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ và Hàn Quốc vào Trung Quốc năm 2017 đã sụt giảm lần lượt là 18% và 22%.
Những số liệu trên cho thấy, ngay trước khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, Đông Nam Á đã qua mặt Trung Quốc trở thành "vựa" đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Chính vì vậy, nếu căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục kéo dài, khu vực Đông Nam Á vẫn có cơ hội lớn "kiếm lợi" khi được mệnh danh là "vịnh tránh bão" lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn né tác động của cuộc chiến thuế quan.
Vỹ An (Tổng hợp)