Đồng USD đã tăng 8% so với các đồng tiền khác chỉ trong 4 tháng trở lại đây.
Các chính sách thương mại gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm việc áp thuế lên một số hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, đã đẩy tỷ giá USD tăng mạnh.
Theo Reuters, đồng USD trong tuần này đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng qua trong bối cảnh giới đầu tư bán tháo đồng tiền của các thị trường mới nổi do lo ngại về ảnh hưởng lây lan từ cuộc khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách trú ẩn an toàn bằng cách mua mạnh đồng USD.
Vào ngày 10/8, ông Trump đã đẩy căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ lên nấc thang mới bằng cách tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Động thái này của ông Trump khiến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ rớt giá xuống mức thấp kỷ lục so với USD, kéo theo sự trượt dốc của nhiều đồng tiền thuộc các nước mới nổi khác.
Chỉ số USD đã tăng 8% so với các đồng tiền khác trong 4 tháng qua. Đến ngày 15/8, chỉ số USD chạm đỉnh 13 tháng khi lên gần 96,8 điểm.
Charles Tomes, chuyên gia phân tích và đầu tư của Manulife Asset Management ở Boston, đánh giá hành động của ông Trump củng cố thêm môi trường rủi ro, và điều này rốt cục khiến đồng USD tăng giá trong ngắn hạn.
Các số liệu kinh tế khả quan của Mỹ từ đầu năm đến nay, ngay cả khi châu Âu và các nền kinh tế lớn khác của thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, đã tạo ra nền tảng vững chắc để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến tới tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm. Kỳ vọng nâng lãi suất này được dự báo sẽ tiếp tục củng cố sức hấp dẫn của đồng USD.
“Tôi cho rằng đồng USD đang mạnh lên do sự trái chiều về chính sách tiền tệ. FED nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 và tháng 12, cho dù các ngân hàng trung ương khác giữ nguyên lãi suất”, ông Oliver Pursche, chiến lược gia trưởng về đầu tư thuộc Bruderman Brothers ở New York, nhận định.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc cắt giảm thuế được Nghị viện Mỹ thông qua vào năm 2017 là yếu tố thúc đẩy thu nhập của các doanh nghiệp, cùng với đó là sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, đã củng cố nền tảng cho việc nâng lãi suất.
Gói cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, cộng thêm đạo luật chi tiêu 1,3 nghìn tỷ USD thông qua hồi tháng 3, được dự báo sẽ đẩy thâm hụt tài khóa của Mỹ tăng cao hơn. Trong quý II, kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất gần 4 năm.
Việc chính quyền ông Trump áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc, châu Âu, Mexico và Canada cũng được cho là khiến áp lực lạm phát ở Mỹ gia tăng, có thể khiến FED đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất, và kết quả sẽ là một đồng USD mạnh hơn nữa.
Giới đầu tư còn mua vào đồng bạc xanh dựa trên kỳ vọng đồng tiền này sẽ tăng giá so với đồng tiền của các quốc gia mới nổi có sự phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản.
Kiều Ngọc