Bộ Tư pháp khẳng định trưởng đoàn tư vấn không ở Việt Nam, nhưng đoàn tư vấn giám sát hợp đồng phát hành hơn 30 văn bản liên quan đến siêu dự án chống ngập là không đúng quy định.
Đại diện Trung tâm chống ngập (TTCN) TP. HCM thông tin với Báo Tiền Phong, liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” sử dụng chữ ký đóng dấu phát hành trên 30 văn bản không đúng pháp luật.
Vừa qua, TTCN TP. HCM đã đề nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) hướng dẫn hiệu lực pháp lý của việc sử dụng chữ ký đóng dấu của liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ.
Theo Cục Kiểm tra, đến ngày 14/7/2018, ông ông L. Fernando Requena P.E. (trưởng đoàn tư vấn giám sát hợp đồng) đã không còn ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay đoàn đã phát hành hơn 30 văn bản có đóng dấu chữ ký của ông này gửi đến các cơ quan Nhà nước.
Theo Pháp Luật TP. HCM, cuối tháng 10, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt – (đại diện liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng) thừa nhận đã sử dụng chữ ký đóng dấu và khẳng định đây là quy trình làm việc bình thường theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu công việc của loại hình hợp đồng trọn gói này.
Phía công ty này giải thích, vị trí trưởng đoàn tư vấn chỉ có 7 tháng trên tổng số 24 tháng thi công và 30 tháng bảo hành (54 tháng) của dự án thì không thể có mặt thường xuyên, phải chỉ đạo từ xa qua email, fax… nên phải sử dụng chữ ký dấu.
Tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng, nếu muốn trưởng đoàn tư vấn làm việc 100% thời gian, TP phải bố trí thêm ngân sách để trả lương, chi phí ăn ở, đi lại…
Thông tin trên Báo Dân Việt, trong một động thái khác, liên danh tư vấn giám sát hợp đồng “cầu cứu” Phó Chủ tịch UBND TP. HCM về việc cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ công an đến làm việc theo đơn của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 – chủ đầu tư dự án ngăn triều, chống ngập.
Theo đơn “cầu cứu”, vào các ngày 22/10 và 31/10, CSĐT đã cử người đến xác minh và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công việc của liên danh tư vấn tại dự án ngăn triều, chống ngập… phát hành các báo cáo không đúng sự thật về dự án, quy trình lấy chữ ký của ông kỹ sư trưởng dự án trong thời gian ông không có mặt tại Việt Nam…
Do đó, liên danh tư vấn đề nghị UBND TP. HCM có ý kiến bằng văn bản giải thích rõ sự việc nêu trên, tránh việc dư luận hiểu sai về bản chất sự việc và làm ảnh hưởng đến uy tín của đoàn.
Trước đó, tháng 10/2018, Cục Thuế TP. HCM đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy phép đối với Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Meinhardt Việt Nam (quận 1). Lý do mà Cục Thuế TP. HCM đưa ra là công ty này đang nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Tính đến tháng 9/2018, số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp của doanh nghiệp gần 22,7 tỷ đồng. Dự án chống ngập được UBND TP. HCM ký kết với Công ty Trung Nam BT 1547 theo hình thức BT, có kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 36 tháng (tháng 6/2019). Tới nay, dự án đã hoàn thành 72% khối lượng. Từ cuối tháng 4/2018 đến nay, dự án chống ngập cho TP. HCM vẫn trong tình trạng “án binh bất động”, vì các khuyến cáo của Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (đại diện là Công ty Meinhardt) với chủ đầu tư khiến việc giải ngân bị đình trệ. |
Ngân Hà (Tổng hợp)