Biểu giá điện sinh hoạt lần này dự kiến vẫn như gần 4 năm trước, chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần, càng dùng nhiều giá càng cao.
Giữ nguyên 6 bậc, giá không thay đổi
Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Dự thảo nêu rõ, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt, theo Báo Lao Động.
Đáng lưu ý, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn gồm 6 bậc có mức giá tăng dần được Ban soạn thảo lý giải rằng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Cụ thể, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia làm 6 bậc như cũ: Từ 0-50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51-100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101-200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201-300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301-400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân; và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.
Mặc dù điểm mới của dự thảo lần này là giá điện của mỗi bậc thang được tính theo tỉ lệ % so với giá bán lẻ điện bình quân nhưng so với mức giá cụ thể quy định tại biểu giá điện cũ thì mức chênh lệch không đáng kể, gần như tương đương. Theo biểu giá điện trước đó, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được quy định cụ thể từ 1.484-2.587 đồng/kWh.
Bộ Công Thương giải thích biểu giá này “nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”. Ngoài ra, việc này còn dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaysia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.
Những bất cập của giá tính theo bậc thang
Theo các chuyên gia, sau mấy năm biểu giá đã được giữ nguyên trong khi đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều nên biểu giá Bộ Công Thương xây dựng chưa tiếp cận được với đời sống thực tế.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, người từng giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng: “Bây giờ hộ nghèo chăng nữa cũng còn rất ít hộ dùng dưới 50 kWh, đời sống đã khác hơn, có nhiều thiết bị điện hơn… khác lắm rồi, nên phải tính làm sao đại đa số người dân được hưởng mức giá tương đối hợp lý hơn”.
Trước mắt, chuyên gia này kiến nghị có thể cải thiện biểu giá điện sinh hoạt để tiếp cận với thay đổi của đời sống, đảm bảo theo dõi của người tiêu dùng cũng dễ hơn, quản lý của ngành điện đo đếm rõ ràng hơn.
Trên thực tế, vào tháng 3/2015, sau khi biểu giá điện bán lẻ 6 bậc đưa vào áp dụng, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. Khi ấy, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải tổ chức hội thảo khắp 3 miền để lấy ý kiến đóng góp cho đề án cải tiến biểu giá điện.
Thời điểm đó, Dự thảo đề án đã đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể: giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay; quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) hoặc rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc (hay 4 bậc) theo 5 kịch bản.
Tuy nhiên, đến nay, bản dự thảo này chưa rõ số phận ra sao, chỉ biết biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn như cũ.
Nhắc lại câu chuyện này, là người theo sát diễn biến của việc xây dựng giá điện bậc thang, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Đề án cải tiến lúc bấy giờ tạm hoãn lại, khi ấy họ kết luận là lúc nào điều chỉnh giá điện thì làm luôn.
Giá điện bậc thang thì rõ ràng có khuyến khích tiết kiệm vì càng dùng nhiều càng phải trả tiền nhiều. Nhưng, ông Thỏa cho rằng, vì giá điện 6 bậc thang này có những bất cập nên người ta mới muốn cải tiến. Trong 3 phương án đưa ra trước đây, phương án đồng giá cũng có nhiều nhược điểm.
“Tôi thì nghiêng về phương án rút gọn từ 6 bậc về 3 hay 4 bậc bởi dễ tính hơn. Theo thống kê, khoảng 65% số hộ dân dùng điện trong khoảng 150 kWh/tháng, nên chúng tôi đề xuất bậc thang đó giá thấp hơn giá trung bình một chút – khoảng 95,5%. Như thế đại đa số dân được hưởng giá điện thấp hơn”, ông Nguyễn Tiến Thỏa góp ý.
Nghịch lý càng mua nhiều càng đắt: Giá điện nó thế
Bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng từng đánh giá: Biểu giá sinh hoạt có 6 bậc thang đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường (càng mua nhiều càng rẻ), dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.
Về điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, người dân đặt vấn đề giá điện càng dùng nhiều càng đắt, đi ngược lại quy luật thị trường không có gì sai cả. Nhưng cần lưu ý, điện là một trong những loại hàng hóa đặc thù. Về cơ bản là điện là sản phẩm không tái tạo, nên nguồn tài nguyên tạo ra điện là khan hiếm, phải có chính sách khuyến khích tiết kiệm.
Ngoài ra, điện không có tồn kho, không chuyển giao từ người tiêu dùng nọ sang người tiêu dùng kia. Mặt khác, thực tiễn nhu cầu tăng trưởng điện rất cao, trong khi nguồn cung chưa đủ nên điện mới càng dùng nhiều giá càng cao.
Ánh Tuyết