Ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã khoảng 3 tỷ USD kể từ đầu năm và tăng 32 tỷ USD trong hơn 2 năm qua, nhưng trên thị trường không có hiện tượng cung tiền đồng ồ ạt do chính sách điều hành gần đây đã khác trước.
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 4/5, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục đạt mức kỷ lục mới là gần 63 tỷ USD.
Con số trên tăng gần 3 tỷ USD so với mức 60 tỷ USD hồi cận Tết Nguyên đán (nửa đầu tháng 2/2018), và tăng tới 11 tỷ USD nếu so với (con số kỷ lục 52 tỷ USD) ghi nhận vào cuối năm 2017.
Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục mua vào đồng USD để củng cố kho dự trữ ngoại hối của quốc gia.
Tuy nhiên, dù dự trữ ngoại hối quốc gia liên tục leo lên các mốc cao, nhưng thị trường không thấy xuất hiện một lượng tiền VND mới bơm ra để hấp thụ số ngoại tệ đó.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm tới 32 tỷ USD trong hơn 2 năm qua, nhưng cách mua và ứng xử với nguồn ngoại tệ này gần đây đã khác trước.
Trước đây, Ngân hàng Nhà nước thường mua vào ngoại tệ giao ngay, có những thời điểm liên tục mua vào, có ngày quy mô giao dịch lên tới 1-3 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng lớn tiền đồng phải được đưa ra để mua ngoại tệ, và dồn lại mang tính thời điểm.
Nhưng từ ngày 7/2/2018, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng để điều tiết linh hoạt hơn.
Theo cách mới này, lượng tiền đồng đưa ra được giãn ra gối đầu khi các hợp đồng đáo hạn, thay vì dồn mang tính thời điểm như trước. Từ khi triển khai nghiệp vụ này, ước tính có 40% lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào được thực hiện qua mua kỳ hạn, và cũng cho thấy các thành viên thị trường đón nhận tích cực sản phẩm mới này.
Minh Tuệ