Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông) đã có giấy mời gửi chủ tài khoản facebook đưa thông tin sai lệch về dịch tả lợn châu Phi đến làm việc.
Trao đổi với Thanh Niên cuối giờ chiều ngày 8/3, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xác nhận, Cục này đã có giấy mời gửi chủ tài khoản facebok Đầm bầu thời trang Mami để làm rõ thông tin liên quan về dịch tả lợn châu Phi đã đăng tải.
Giấy mời nêu rõ, chiều 11/3, đại diện tài khoản facebook này phải có mặt trụ sở Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử để làm việc về nội dung thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi có thể lây sang người và kêu gọi tẩy chay thịt lợn, đã đăng tải trên tài khoản Đầm bầu thời trang Mami.
Trong trường hợp chủ tài khoản facebook này không đến làm việc theo giấy mời, Cục Phát thanh truyền hình và Tthông tin điện tử sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Báo Dân Việt cho biết, trước đó sáng cùng ngày, Bộ NN&PTNT cũng đã chính thức có văn bản số 1669/BNN-VP do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.
Văn bản này nêu rõ, trong khi dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng thì trên các trang fanpage, trang facebook cá nhân như: Đầm Bầu Thời Trang Mami; Trang Thao Mandy… đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, các tài khoản này kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn vì có thể lây sang người.
Theo báo CAND, thực tế xác minh, các tài khoản này đã lấy hình ảnh lợn bị bệnh sán tại Bình Phước đã phát hiện từ tháng 11/2018 để minh hoạ cho thông tin về dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, các nhà khoa học đã khẳng định dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh, ảnh hưởng sức khoẻ cho con người.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những các nhân là chủ các tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi để tránh gây hoang mang trong xã hội, bảo vệ sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn.
Khôi Minh (tổng hợp)