Đại Kỷ Nguyên

Dưỡng âm, bổ dương – 10 cách phòng trị bệnh tuyệt vời từ Hến

Hến không chỉ là món ăn dân dã mà còn rất có giá trị trong Đông y; điều trị nhiều chứng bệnh từ đổ mồ hôi trộm của trẻ nhỏ cho đến các bệnh về thận hay tim mạch của người lớn.

Trong y học cổ truyền, thịt hến có tên gọi là nghiễn nhục, có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, nhuận táo, trị khát. Vỏ hến (nghiễn xác) có vị mặn, tính ấm, không độc; có tác dụng cố tinh, làm se, long đờm, chống nôn…

Hến là món ăn bổ dưỡng cho trí não

Hến là một thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 và sắt, rất tốt cho những người thiếu máu. Hến cũng ít chất béo, ít cholesterol và nhiều axit béo omega-3, thích hợp cho người bệnh tim mạch. Thịt hến có một số chất quan trọng như lysine, tryptophane, histidine, cystein, taurine, lecithin và các sterol. Ngoài ra còn khá nhiều chất khoáng với hàm lượng cao.

Các bài thuốc từ hến

1. Những người lao phổi, thường bị sốt về chiều, đêm hay ra mồ hôi

Dùng thịt hến hầm với sò biển ăn.

2. Ho lâu nhiều đờm

Có thể dùng 60g hến, thêm 5 nhánh hành vào luộc.

3. Phụ nữ kinh nguyệt không đều, ra kinh có lẫn cả máu cục

Dùng 30g hến thêm hành, gừng vào luộc ăn.

4. Chữa chứng hay đi tiểu đêm

Thịt hến 50g, thịt lợn nạc 100g. Tất cả ninh nhừ, thêm gia vị vừa đủ. Ăn trong ngày. Có thể dùng thường xuyên.
Chữa dương nuy, ít tinh: Thịt hến 300g, lá hẹ 100g, dầu ăn 50ml, gia vị vừa đủ. Lá hẹ rửa sạch thái khúc. Đổ dầu vào chảo, đun nóng, cho hến vào thêm gia vị, xào cho săn, cho lá hẹ vào, đảo đều với hến khoảng 5 phút, bắc ra ăn nóng.

Hện được chọn là món ăn bổ thận, trị tiểu đêm nhiều lần (Ảnh: qua thitruong.nld.com)

5. Chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ em

Thịt hến 100g, sò biển 100g, gạo tẻ 50g, rễ hẹ 3g, gia vị vừa đủ. Thịt hến, sò hấp cách thủy, băm nhỏ, ướp gia vị; rễ hẹ giã nhỏ; gạo nấu thành cháo. Khi cháo chín, cho sò hến và hẹ vào đun chín. Ăn 1 ngày 1 lần. Dùng 5 – 7 ngày.

6. Bồi bổ sức khoẻ, thanh nhiệt

Hến 2kg, bầu 1 quả non. Mỡ, mắm, muối, hành, thì là, gia vị vừa đủ. Luộc hến gạn lấy nước, đãi lấy thịt để riêng. Bầu gọt vỏ băm nhỏ hoặc thái miếng. Đun sôi nước luộc hến thả bầu vào nấu chín, cho hành và thì là vào. Đun sôi mỡ, phi thơm hành rồi cho thịt hến và gia vị vừa đủ, đảo đều đến khi thịt hến săn lại. Cho thịt hến vào canh bầu hoặc để riêng ăn.

7. Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Hến 1kg, lá dâu bánh tẻ 30 – 50g, hành hoa, gia vị vừa đủ. Hến rửa sạch luộc đãi lấy ruột, nước để lắng gạn lấy phần nước trong bên trên. Lá dâu rửa sạch để ráo, thái sợi. Phi thơm hành mỡ cho hến vào xào săn, tiếp đó cho lá dâu vào xào chín, cho thêm ít nước hến, nêm gia vị vừa đủ, múc ra bát rắc rau răm, hành hoa lên ăn nóng. Có thể dùng thường xuyên. Công dụng: bổ âm, hạ áp, an thần, lợi tim mạch, nhuận gan mật, lợi tiểu,… dùng tốt cho người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, bí đại tiểu tiện,…

Hến tốt cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao (Ảnh: qua giadinhnet.vn)

8. Giúp dưỡng âm, nhuận ngũ tạng, bổ hư, trừ bệnh, tăng sức khỏe

Lấy hến, cà rốt, khoai tây, mỗi thứ 200g, xuyên khung, sơn dược, mỗi vị 10g. Xuyên khung rửa sạch, thêm nước vào sắc lấy nước thuốc. Cà rốt, khoai tây rửa sạch thái quân cờ. Thịt hến rửa qua bằng nước muối loãng. Cà rốt, khoai tây cho vào nồi mỡ đảo qua, đổ nước thuốc xuyên khung và thêm 1 lượng nước vừa đủ vào nồi luộc chín khoai tây và cà rốt.

Sau đó cho thịt hến, rượu gia vị, bột cà ri, muối rồi vặn lửa to cho sôi lên là được. Cà rốt, khoai tây rất giàu các loại chất giúp tăng cường sức khỏe. Xuyên khung là loại thuốc Đông y giúp tăng hoạt động của máu, có thể làm thông các khe trong não, chữa đau đầu rất hiệu nghiệm. Các thứ trên kết hợp với hến sẽ có tác dụng tăng cường trí lực, nâng cao sức khỏe, giúp phòng trừ suy nhược thần kinh.

9. Thích hợp với những người lao động trí não, hay nóng ruột, tâm thần bất ổn, di tinh

Hến 100g, 15g mạch môn, 12g địa cốt bì, 30g tiểu mạch. Cách làm: mạch môn, địa cốt bì, tiểu mạch rửa sạch, quấn chặt vào túi tải mỏng sạch. Thịt hến rửa sạch, cho vào nồi, cho tiếp túi thuốc, để đủ nước rồi đun nhỏ lửa 40 phút. Sau đó bỏ túi thuốc, thêm hành, gừng, muối, mì chính rồi bắc ra ăn.

Hến tính nhuận ướt, có ích cho tân dịch, có khả năng nhuận dưỡng ngũ tạng; tiểu mạch có tác dụng bổ tim, dân gian thường nói “người bệnh tim nên ăn tiểu mạch”; mạch môn, địa cốt bì có tác dụng bồi bổ phổi thận, trừ bỏ những phiền muộn trong lòng.

10. Canh hến bổ thận, cường dương

Hến 100g, cà chua 1 -2 quả, khế 1 quả, thì là 6g, rau răm 8g. Thêm nước và gia vị vừa đủ, nấu thành canh ăn.

Tác dụng: hến làm mạnh gân, cường dương, ích tinh; cà chua và khế có vị chua, dẫn thuốc vào can kinh; thì là khử mùi tanh, tiêu thực, làm ấm thận; rau răm khử mùi tanh, tiêu thực, kìm hãm tác dụng bộc phát cường dương của hến.

Lưu ý: Hiện nay có nhiều vùng sông, suối, mương… bị ô nhiễm nặng do nước thải của các cơ sở sản xuất, nhà máy. Các loài cua, cá, trai, hến sống ở vùng nước bị ô nhiễm cũng có thể bị nhiễm độc. Do đó người dân không nên cào hến ở những khu vực này làm thức ăn.

Hến có hàm lượng iod cao, người bướu cổ do suy tuyến giáp nên dùng, nhưng bướu cổ cường giáp phải kiêng.

Cao Sơn 

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version