Các huyện ngoại thành Hà Nội đang vào vụ thu hoạch lúa xuân. Hết đất làm sân phơi, nông dân “đành” chiếm dụng lòng đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường làng, ngõ xóm…dù biết nguy hiểm rình rập.
Theo Dân Trí, tình trạng phơi thóc và các loại nông sản tràn lan trên mặt đường lại diễn ra phổ biến.
Tại chân cầu Nhật Tân lòng đường chỉ còn khoảng 1/3 khiến việc đi lại của các phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn. Nguy hiểm hơn, người dân còn sử dụng gạch đá chặn các tấm bạt phơi ngô, thóc để tránh bị gió thổi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường.
Ông Đỗ Văn Lục – nông dân ở xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, xã ông có nhiều gia đình cấy lúa nhưng không còn sân phơi hoặc sân phơi diện tích quá nhỏ nên phải mang thóc ra phơi trên các trục đường.
Khoảng chục năm trở lại đây, đô thị hóa nhanh đã đẩy giá đất lên cao nên nhiều gia đình đã bán bớt đất thổ cư làm thu hẹp không gian phơi sấy nông sản. Trong khi đó, các trục đường giao thông đã được kiên cố. Chỉ cần mua tấm bạt ni lông là người dân có thể phơi sấy hàng tấn thóc.
Không chỉ ở vùng ven đô, ngay tại các quận như Hà Đông, Hoàng Mai, một số hộ dân còn ruộng cấy lúa nhưng không còn sân phơi cũng “mượn tạm” đường giao thông vài ngày.
Thói quen phơi thóc và các loại nông sản trên mặt đường tồn tại khá phổ biến ở Việt Nam.
Theo Hà Nội Mới, hầu hết người dân phơi thóc trên các trục đường đều ý thức được là ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Việc này chính quyền sở tại cũng biết nhưng “thông cảm” nên cũng chỉ nhắc nhở bà con phơi gọn, cố gắng bảo đảm an toàn giao thông.
Mặt đường thành sân phơi thóc ở Hà Nội. (Ảnh: VnExpress) |
Thúy Quỳnh