Đại Kỷ Nguyên

Đường trong nước tồn kho nhiều, nhập khẩu cũng nhiều, nông dân trồng mía ‘bí’ đầu ra

Lượng đường tồn kho cao cộng với lượng đường lỏng giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến việc tiêu thụ đường gặp nhiều khó khăn, người trồng mía lâm vào cảnh nợ nần vì giá thu mua mía quá thấp.

Theo số liệu của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 15/4, lượng đường tồn kho trong nước chạm mốc gần 681.000 tấn, cao hơn 37.300 tấn so với cùng kỳ năm 2017.

Trước “núi” đường tồn kho trên, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch VSSA, cho rằng điều đáng lo ngại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đường trong nước là hàng trăm nghìn tấn đường lỏng đang được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế suất 0%. Giá đường lỏng lại rẻ hơn đường trắng 2.000-3.000 đồng/kg, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ đường trong nước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo trong nước cũng đang có xu hướng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường lỏng.

Theo VSSA, đường lỏng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, dẫn đến béo phì gia tăng, gây thất thoát doanh thu thuế cho Nhà nước. Các nước trong khu vực ASEAN đang áp thuế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng rất cao, từ 25-55%. Trong khi đó, đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam với mức thuế 0%.

Lượng đường tồn kho cao đã kéo giá đường trong nước xuống mức rất thấp. Theo Báo Tin tức, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Nam giao động từ 11.200-11.800 đồng/kg, giảm 5.000-5.500 đồng/kg so với cùng thời điểm tháng 4/2017. Riêng giá thu mua mía tại ruộng khu vực miền Nam cũng giảm mạnh, chỉ từ 800.000-950.000 đồng/tấn, giảm từ 150.000-200.000 đồng/tấn.

Giá mía thu mua tại ruộng ở các tỉnh miền Nam giảm mạnh. (Ảnh: CAND)

Ông Dương cho biết hiện giá đường bán tại các nhà máy gần ngang giá đường nhập lậu, thậm chí không ít nhà máy còn bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho khi chỉ còn 11.400-12.000 đồng/kg.

Đường trong nước tiêu thụ chậm khiến người trồng mía như ngồi trên đống lửa do giá thu mua liên tục rớt sâu. Thậm chí, nhiều người phải cầm sổ đỏ trừ nợ, bỏ xứ đi làm thuê vì thua lỗ nặng do trồng mía.

Theo VOV, vụ mía vừa qua là vụ sản xuất bị lỗ nặng nhất đối với nông dân Trà Vinh. Nguyên nhân không phải do thiên tai hay dịch bệnh mà do giá mía quá thấp và nhà máy thu mua chậm, khiến hầu hết các hộ trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, khốn khó. Mỗi ha mía sau khi trừ các khoản chi phí người trồng bị lỗ 30-50 triệu đồng/ha.

Đáng chú ý, không chỉ người nông dân trồng mía gặp khó, những đại lý cấp tiền cho người dân vay trồng mía cũng gặp khó khăn. Bà Hân ở xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) cho biết vụ mía năm nay bà đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho hơn 400 hộ trên địa bàn vay tiền trồng mía. Hiện đã có hàng trăm hộ thu hoạch mía xong nhưng không có tiền trả, trong đó rất nhiều hộ yêu cầu bà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để trừ nợ.

Bà Hân cho biết bà cũng không muốn lấy đất của bà con nhưng nhiều người vẫn yêu cầu sang tên để được trừ hết nợ. Trong khi gia đình bà không làm gì được trên số đất đó thì vẫn phải đóng lãi cho ngân hàng do đã thế chấp hết tài sản cá nhân để có tiền cho người trồng mía vay.

Theo ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), sau nhiều năm thua lỗ liên tục, nợ nần chồng chất, người dân đã dần quay lưng với cây mía. Trong khi đó, đường nhập lậu giá rẻ vẫn cứ ồ ạt tràn vào, bóp nghẹt ngành đường trong nước. Nếu tình trạng nhập lậu đường không kiểm soát được, ngành mía đường sẽ khó thoát khỏi cảnh lao đao và nông dân vẫn tiếp tục rơi vào cảnh khốn khó.

Nguyễn Trang

Exit mobile version