Trần Thị Tùng Lâm – cô học trò vùng quê Hà Tĩnh có tấm lòng trung thực trả lại 30 triệu đồng nhặt được ven đường suốt 10 năm qua luôn khao khát một lần gặp mẹ, điều mà bạn bè cùng trang lứa với em có được hằng ngày.
Nhiều năm qua, người dân xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã quen với hình ảnh cô bé Trần Thị Tùng Lâm (học sinh lớp 8C, trường THCS Cẩm Hòa) chăm ngoan, chịu khó phụ việc nhà, kiếm thêm thu nhập cho gia đình
Tranh thủ ngoài giờ học, Lâm thường đi hốt trấu ở các hộ trong thôn có máy xát lúa, lúc lại nhặt ve chai trên đường. Mỗi buổi như vậy, ngày nhiều nhất em bán được 5 bì, mỗi bì được từ 1.000 đến 3.000 đồng.
Lớn lên trong gia đình nghèo khó, bố làm nghề xay thịt cá ở chợ Cừa gần nhà, mẹ kế mở hàng bán đồ ăn sáng cạnh bên nên những ngày nghỉ học, em đều dậy từ sáng sớm, soạn sửa đồ đạc để đi phụ bán hàng.
Cuộc sống vất vả nhưng Tùng Lâm luôn suy nghĩ phải sống thật thà, trung thực. Nhờ vậy, khi đối mặt với lợi ích vật chất trước mắt, em đã có được cách hành xử đáng khâm phục. Đó là vào ngày 14/11, từ trường về nhà, em phát hiện có một bọc nilon màu đen ở bên đường.
Mở ra xem, Lâm bất ngờ khi thấy bên trong chứa số tiền lớn. Thoáng chút bối rối, nữ sinh này quyết định cầm bọc tiền đứng chờ, hi vọng người đánh rơi quay lại tìm.
“Khi đánh mất số tiền lớn như vậy thì người đánh rơi sẽ rất đau khổ, khó khăn trong cuộc sống nên em đã nghĩ là mình phải trao trả lại số tiền đó cho người đánh rơi…”. Báo Hà Tĩnh dẫn lời em Lâm.
Khoảng 1 tiếng sau, Lâm thấy ông Nguyễn Tâm Thăng là người cùng thôn đi dò hỏi người dân sống ở hai bên đường để tìm lại số tiền đã đánh mất. Em liền gọi ông Thăng lại và cho biết đã nhặt được số tiền nên đứng đợi để trả lại.
Luôn lễ phép, chăm ngoan chịu khó, nhưng nếu không tìm hiểu, ít ai biết trong lòng cô bé 14 tuổi này luôn ấp ủ ước mơ được một lần gặp lại mẹ đẻ.
Phóng viên Báo Thanh Niên về thăm Tùng Lâm và được biết, năm em mới lên 4 tuổi, gia đình đổ vỡ, mẹ bỏ đi. Khi Lâm được 9 tuổi, bố em lấy vợ mới, cũng là người mà người em gọi là mẹ bây giờ. Rất gần gũi và dành nhiều tình cảm với người mẹ mới, nhưng trong lòng cô bé chưa từng nguôi ngoai hình bóng của mẹ ruột.
Chị Phan Thị Thanh, mẹ kế của em Lâm chia sẻ: “Mẹ con cũng đi chợ đi búa thì nó cũng phụ mẹ nhiều. Nó như kiểu thiếu thốn tình cảm của mẹ nhiều lắm. Ví dụ giờ mà mẹ nói cho mẹ ngủ chung thì nó mừng lắm”.
Nhìn những người bạn cùng trang lứa được được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, Tùng Lâm lại khao khát được gặp lại mẹ thêm một lần
“Thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, lớn lên mà chỉ có bố. Ước mơ của em là được gặp mẹ”, khuôn mặt cương nghị của cô học trò nhỏ chợt chùng xuống, không giấu được nỗi buồn khi nhắc đến điều mong muốn bấy lâu nay.
Khắc Ân (Tổng hợp)