Đại Kỷ Nguyên

Gần 100 nhà vệ sinh xã hội hóa vừa xây đã hỏng, méo mó có còn hơn không?

Nhân viên trông giữ nhà vệ sinh công cộng kiêm chủ quán nước (Ảnh giao thông).

Rất nhiều trong số gần 100 nhà VSCC mới bàn giao, đưa vào sử dụng xuống cấp, hư hỏng. Điều đó khiến kế hoạch xây dựng 500 nhà vệ sinh công cộng của Hà Nội trong năm 2017 đang đối mặt với nguy cơ “phá sản”.

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 440 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, đã chiếm hơn 2/3 khi có tới 310 cái.

Điều này đồng nghĩa với việc 6 quận và một thị xã còn lại chỉ có 130 NVSCC, tức mỗi quận chỉ có khoảng 20 NVSCC, trong khi có hàng trăm tuyến đường và khu vực đông dân cư và người dân lưu thông.

Không chỉ thiếu, nhiều nhà vệ sinh ở Thủ đô còn rất bẩn. Ghi nhận tại khu vực chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), dù hàng chục nghìn lượt người qua lại mua sắm, nhưng cả khu chợ chỉ có duy nhất một NVSCC nhưng lại trong tình trạng bốc mùi hôi hám, vòi nước bị hỏng…

Những điều trên đã khiến những sinh hoạt của người dân, du khách gặp nhiều bất tiện. Và chủ trương để Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing đầu tư 1.000 NVSCC của thành phố đã khiến nhiều người dân vui mừng.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà vệ sinh này sau khi được bàn giao (trong 98 NVSCC mới được Vinasing bàn giao) đều có vấn đề về thiết bị, nền, sàn…

Cụ thể, vòi nước  bị hỏng, thường bị tắc nghẽn, hay bị mất nước, cửa ra vào bị rơi bi bánh xe, nổ cầu giao, nền sụt lún… Đồng thời, nhân viên trông coi NVSCC còn tận dụng thời gian rảnh để… kinh doanh quán nước ngay cạnh NVSCC.

Nói về việc quản lý, kiểm soát nhân viên các chi nhánh của công ty, ông Lê Trung Dũng, đại diện truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, theo quy trình kiểm tra, giám sát của công ty và các chi nhánh, hàng tuần chúng tôi có cán bộ đi tuần tra, kiểm soát nhân viên trông giữ NVSCC ra sao, có mặc đồng phục và dọn dẹp không.

Việc nhân viên tận dụng để mở quán nước, công ty không cho phép. Chúng tôi sẽ yêu cầu các chi nhánh báo cáo, xử lý ngay nếu vi phạm”, ông Dũng khẳng định với báo chí.

Ông Lê Đức Thùy, Giám đốc Dự án Vinasing cũng thừa nhận tình trạng một số NVSCC bị xuống cấp, nền bị lún võng, bên trong xuất hiện một số thiết bị hư hỏng.

Ông Thùy cho hay, hiện dự án đang cử người đi kiểm tra, cái nào chưa xong, cái nào chưa bàn giao họ sẽ lắp biển “Đang thi công, chưa được phép khai thác”. Cái nào bị xuống cấp, thiết bị hỏng hóc, họ sẽ cải tạo lại..

Hi vọng rằng sau khi được báo chí phản ánh về tình trạng xuống cấp một cách “chóng mặt” về chất lượng, chủ dự án sẽ sớm khắc phục những điểm bất cập đó. Đừng để mỗi khi người dân sử dụng NVSCC tại Thủ đô lại phải bịt mũi, lắc đầu, ngao ngán mà rằng “Thôi thì méo mó có còn hơn không”.

Thanh Tùng

Exit mobile version