Đại Kỷ Nguyên

Gánh 15 loại thuế phí: Ô tô từ phương tiện thành mặt hàng xa xỉ

Một chiếc ô tô nhập khẩu về Việt Nam đang phải chịu 15 loại thuế phí khiến số tiền bỏ ra mua xe “đội” thêm hàng trăm triệu đồng. Với mức thu nhập bình quân vẫn còn rất thấp của người Việt, một chiếc ô tô vốn chỉ là phương tiện di chuyển đã trở thành một mặt hàng xa xỉ.

Theo Lao động, câu chuyện đánh thuế tài sản đối với ô tô tiếp tục được đưa ra bàn thảo ngày 9/5. Dù chỉ là một loại phương tiện phổ thông, song trong mắt của nhiều người dân ô tô đang trở thành một mặt hàng xa xỉ và phải “cõng” hàng loạt loại thuế phí.

Trong buổi hội thảo khoa học, TS. Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính nên “cân nhắc” đề xuất đánh thuế tài sản đối với ô tô trên 1,5 tỷ đồng bởi “có thể dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế”.

Một chiếc ô tô nhập khẩu đang phải chịu 15 loại thuế phí bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí sử dụng đường bộ (chưa kể BOT), phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí bảo hiểm vật chất, thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, phí thử nghiệm khí thải, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Với chừng đó loại thuế phí, người dân đang phải trả số tiền gấp vài lần giá trị thực của một chiếc xe.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam đang phải “cõng” 15 loại thuế, phí.

Các chuyên gia cho rằng việc đánh thuế tài sản đối với ô tô và tính thuế hằng năm sẽ trở thành gánh nặng cho dân. Hơn nữa, việc xác định mức chịu thuế không dựa trên giá trị thực mà theo giá trị đã tính các loại thuế phí thì đúng là thuế chồng thuế.

Trong khi đó, chia sẻ bên lề Tọa đàm khoa học Đối thoại chính sách về những đề xuất sử đổi các Luật thuế của Bộ Tài chính ngày 9/5, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, cho rằng đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô có giá trên 1,5 tỷ đồng là hợp lý, bởi ô tô có giá trị cao, đẹp thì cần phải đánh thuế.

“Anh sống trong xã hội, nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn về cơ hội kinh doanh. Cho nên, anh mới có cơ hội sở hữu tài sản cao. Vì có may mắn đó nên vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu”, VOV dẫn lời ông Phụng.

Tuy nhiên, TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, không đồng tình với quan điểm “đóng mấy đồng thuế có sao đâu” của đại diện Tổng cục Thuế. Vị chuyên gia này cho rằng trước khi điều chỉnh mỗi một sắc thuế, cơ quan soạn thảo nên tính toán, cân nhắc thật kỹ nếu không sẽ dẫn tới tình trạng lạm thu, thuế chồng thuế.

TS. Đặng Đình Đào đặt câu hỏi sao ông Phụng không nói nguồn thuế đó, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đó phải được sử dụng một cách công bằng, hiệu quả và công khai? Sao không nhắc gì tới trách nhiệm sử dụng thuế?.

Ông Đào khẳng định thuế là nguồn thu chính của NSNN. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng sử dụng NSNN lãng phí, thất thoát, tham nhũng… vẫn còn nhiều. Điều khiến người dân bức xúc là số tiền đóng thuế bị lãng phí, đầu tư không hiệu quả và chi dùng lớn cho bộ máy cồng kềnh. Một bước ra đường gặp trạm BOT cũng phải đóng tiền. Quá nhiều thứ phải đóng góp trong khi phúc lợi gần như bằng 0.

Nguyễn Trang

Exit mobile version