Một trong những hành động của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ đang có nguy cơ phản tác dụng, gây thiệt hại trực tiếp lên nông dân của nước này.
Người dân Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đậu tương nghiêm trọng sau khi chính quyền Bắc Kinh đánh thuế 25% vào đầu tháng 7 để trả đũa gói thuế quan của Mỹ.
Đậu tương là một trong những mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ Mỹ. Nông dân Mỹ đã bán hơn 12 tỷ USD đậu tương cho Trung Quốc vào năm 2017.
Tuy cũng bị thiệt hại nhiều bởi gói thuế mới, nhưng người dân Trung Quốc còn gặp phải vấn đề lớn hơn thế.
Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, và chủ yếu dùng sản phẩm này trong chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn và gà. Hơn 1/3 lượng đậu tương nhập khẩu của nước này đều đến từ Mỹ, nhưng hiện nay đậu tương Mỹ đã trở nên đắt đỏ hơn vì thuế quan. Trung Quốc đang phải vật lộn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.
“Đây có thể sẽ là vấn đề nan giải đối với Trung Quốc nếu tranh chấp thương mại không được giải quyết trong vài tháng tới”, ông Loren Puette, giám đốc công ty nghiên cứu ChinaAg đánh giá.
Theo ông Puette, các nông trại của Mỹ thường xuất khẩu khoảng 1/2 tổng sản lượng đậu tương của họ sang Trung Quốc vào tháng 10 và tháng 11 mỗi năm. Nếu đậu tương Mỹ trở nên quá đắt, chính Trung Quốc sẽ cảm nhận được sự thiếu hụt này.
Thuế quan gây tắc nghẽn
Một số tàu chở đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đã bị mắc kẹt trên biển hàng tuần vì không thể chuyển hàng hóa đến nơi trước khi thuế nhập khẩu mới có hiệu lực.
Hơn nữa, các nhà nhập khẩu Trung Quốc lại phải bắt đầu chuyển sang các thị trường khác. Công ty Thức ăn chăn nuôi Power Sea Hebei đã nhập khẩu hàng tấn bột đậu tương của Mỹ vào năm 2017 để chế biến thành thức ăn gia súc. Hiện nay, công ty này đã phải chuyển sang nhập khẩu hàng từ Brazil.
“Đây chính là chiến tranh thương mại”, ông Xu Limin, giám đốc bán hàng của Power Sea Hebei cho biết.
Tuy Trung Quốc tìm được nguồn cấp đậu tương thay thế – chủ yếu từ Brazil và Argentina, những nước này vẫn không thể thay thế được lượng đậu tương mà Mỹ cung cấp.
Đậu tương là nông sản trồng theo mùa vụ. Nông dân Nam Mỹ trồng và thu hoạch đậu tương của họ vào từng thời điểm phù hợp với yêu cầu của đối tác.
Brazil cũng không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc cho dù nông dân Brazil đang cố hết sức, ông Puette nhận định.
Điều này đã đẩy giá đậu tương Brazil tăng trong những tháng gần đây trong khi giá xuất khẩu đậu tương Mỹ giảm vì bị đe dọa bởi việc mất thị trường Trung Quốc.
Brazil đã đầu tư phát triển sản xuất tại các khu vực vùng Amazon nhưng dường như vẫn không đủ. Các thị trường cung cấp đậu tương khác như Canada và Nga chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nguồn cung đậu tương toàn cầu.
“Chỉ đơn giảm đậu tương trên thế giới không đủ để đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc nếu loại bỏ nguồn cung là Mỹ”, nhà phân tích Michael Magdovitz tại Ngân hàng Rabobank London cho biết.
Nông dân Trung Quốc chưa sẵn sàng
Một số nông dân Trung Quốc đang trồng thêm đậu tương vì dự đoán lượng nhập khẩu từ Mỹ sẽ giảm.
Li Fuqiang, chủ một nông trại ở miền bắc Trung Quốc, chia sẻ trên kênh CNN rằng ông đã trồng nhiều đậu tương hơn trước kia vì hy vọng giá đậu tương trong nước sẽ tăng lên và nhận được trợ cấp từ chính phủ.
Theo nhà phân tích Magdovitz, chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực sản xuất các loại nông sản như ngô và lúa mì. Điều này đã gây ra tình trạng cung vượt cầu đối với những loại nông sản đó và trầm trọng việc thiếu hụt những loại cây trồng khác như đậu tương.
“Nguồn cung đậu tương nội địa hiện tại của Trung Quốc chắc chắn không đủ để đáp ứng nhu cầu của nước này. Để cung đủ thì cần rất nhiều năm”, ông Magdovitz nhận xét.
Giám đốc kinh doanh của công ty Power Sea Hebei phàn nàn rằng giá đậu tương Trung Quốc thậm chí còn đắt hơn so với đậu tương của Mỹ và Brazil.
Không thể thoát khỏi Mỹ
“Bây giờ, những nhà nhập khẩu đậu tương Trung Quốc đang cố gắng làm những gì họ có thể để tránh phải mua đậu tương từ Mỹ. Chúng tôi đặt ra câu hỏi rằng điều này có thể kéo dài bao lâu?”, chiến lược gia John LaForge tại Viện Đầu tư Wells Fargo cho biết.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng cho dù thuế quan cao đi chăng nữa, Trung Quốc sẽ phải trở về với đậu tương Mỹ sau khi hết nguồn cung từ các thị trường khác trong năm nay.
Tuy nhiên, điều đó có thể gây thiệt hại nặng cho kinh tế Trung Quốc.
Nếu chi phí nhập khẩu đậu tương từ Mỹ cao hơn, nó sẽ được chuyển sang cho người chăn nuôi lợn của Trung Quốc. Sau đó, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ hứng chịu mọi hậu quả. Quá trình này có thể đẩy lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng.
Tổng Hợp