Câu chuyện nông sản rớt giá không chỉ dừng lại ở củ cải, su hào hay khoai tây mà giờ đây đã lây lan sang cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam, khiến cho người sản xuất lao đao.
 

Theo trang Người Đưa tin, giá một số mặt hàng như cà phê, hồ tiêu và cao su tại các tỉnh Tây Nguyên đang giảm sâu.

Trong phiên ngày 24/3, giá cà phê nhân giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 35.500–36.000 đồng/kg, ghi nhận một tuần giao dịch ảm đạm.

Giá hồ tiêu phiên cuối tuần tiếp tục đứng ở mức đáy với giá bán dao động quanh 51.000 đồng/kg. Giá tiêu thấp nhất được ghi nhận ở tỉnh Gia Lai với 51.000 đồng/kg, trong khi giá cao nhất được bán Bà Rịa-Vũng Tàu với mức 54.000 đồng/kg.

Như vậy, cà phê và hồ tiêu đang giảm xuống gần sát với giá thành sản xuất, trong đó giá sản xuất của cà phê vào khoảng 30.000-35.000 đồng/kg, còn hồ tiêu cũng từ 45.000-47.000 đồng/kg.

Giá cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên xuống thấp, người trồng khó khăn
Giá hồ tiêu tại Tây Nguyên giảm sâu. (Ảnh: Tintaynguyen)

Theo giải thích từ các đơn vị chức năng, giá các nông sản chủ lực tại Tây Nguyên xuống thấp một phần là do các nông hộ tại đây ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, cà phê không theo quy hoạch, kế hoạch.

Đối với cà phê, thống kê cho thấy 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có tổng diện tích cà phê tăng lên đến gần 583.000 ha, trong đó Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, kế đến là Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum.

Đối với cây hồ tiêu, tổng diện tích tại khu vực này đạt gần 85.500 ha, tăng gần gấp đôi so với quy hoạch. Trong đó, Đắk Lắk cũng là tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu nhiều nhất với trên 42.560 ha, tăng 250% so với kế hoạch.

Trong vài năm trở lại đây, do giá hồ tiêu có lúc tăng lên đến 220.000 đồng/kg nên các nông hộ ồ ạt tăng diện tích bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng. Thậm chí, các cấp chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát được dẫn đến tình trạng được mùa mất giá như hiện nay.

Minh Tuệ tổng hợp