Cà phê trong nước được dự báo sẽ khó thoát khỏi đà giảm giá trong thời gian tới do dự báo sản xuất cà phê tại các quốc gia xuất khẩu lớn thuận lợi khiến cung cà phê toàn cầu vượt nhu cầu tiêu thụ.
Theo VOV, trong tháng 7/2018, thị trường cà phê trong nước tiếp tục giảm do áp lực dư cung trên toàn thế giới. So với tháng 6, cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100-300 đồng/kg xuống còn 34.700-35.400 đồng/kg.
Giá cà phê giảm do dự báo vụ mùa năm nay của Brazil sẽ đạt khối lượng thu hoạch kỷ lục hơn 3,6 triệu tấn, còn của Việt Nam dự kiến hơn 1,8 triệu tấn, khiến cung cà phê toàn cầu sẽ dư nhẹ so với nhu cầu tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018-2019 sẽ đạt 171,2 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng so với mức 163,2 triệu bao của cùng kỳ vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2018 đạt 130.000 tấn, trị giá 244 triệu USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 17,7% về trị giá so với tháng 6/2018. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,17 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng nhưng giảm 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong 7 tháng ước đạt khoảng 1.921 USD/tấn, giảm 14,9% so cùng kỳ năm 2017.
Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 12,4% và 10,2%.
Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê niên vụ 2017-2018 ước đạt 1,55 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với niên vụ trước đó. Xuất khẩu cà phê trong niên vụ này ước đạt 1,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 0,8% về lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với vụ trước.
Nguyên nhân là do giá cà phê nhân liên tục giảm trong khi chi phí như nhân công, xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu không ngừng tăng. Giá bán cà phê hiện nay xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất, khiến người nông dân không mặn mà với công việc chăm bón gây ảnh hưởng tới năng suất của mùa vụ.
Vỹ An