Các công ty kinh doanh gas tại khu vực phía Nam cho biết, kể từ ngày 1/8, giá gas sẽ tăng 11.000 đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp giá gas được đẩy lên với mức tăng tổng cộng 40.000 đồng/bình.
Theo thông báo của các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối tại Tp.HCM, kể từ hôm nay (1/8), giá gas bán lẻ ra thị trường sẽ tăng thêm 917 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 11.000 đồng/bình 12 kg.
Với mức tăng giá này, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của một số thương hiệu, gồm Petrolimex, Pacific Petro, Saigon Petro… dao động ở mức 357.000-365.000 đồng/bình 12 kg.
Nguyên nhân điều chỉnh tăng giá gas được các nhà phân phối lý giải là do giá gas nhập khẩu bình quân trong tháng 8 tăng 25 USD/tấn lên mức 587,5 USD/tấn so với tháng trước đó và tỷ giá USD/VND liên tục tăng trong thời gian qua đã đẩy giá gas trong nước tăng theo.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp giá gas được điều chỉnh tăng. Nếu tính gộp các tháng 5, 6, 7 và 8, giá nhiên liệu này bị đội thêm 40.000 đồng/bình 12 kg. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Liên quan đến việc triển khai Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí chính thức có hiệu lực từ 1/8, hiệp hội gas và một số doanh nghiệp kinh doanh gas nêu ra hàng loạt vướng mắc. Cụ thể, nghị định đưa ra rất nhiều hạng mục về điều kiện cấp phép kinh doanh gas, đặc biệt các điều kiện về an toàn cháy nổ khiến các Sở Công Thương và doanh nghiệp không biết áp dụng quy định nào để xác minh khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Chia sẻ trên Pháp luật Tp.HCM, đại diện Bộ Công Thương cho biết quan điểm khi xây dựng Nghị định 87 là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp gas bày tỏ băn khoăn về việc Nghị định số 87 yêu cầu cơ sở sản xuất, chiết nạp, phân phối, bán lẻ gas phải thực hiện sổ theo dõi ghi chép, loại bình, số seri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận… Công việc này được thực hiện cả khâu bán hàng và thu hồi vỏ bình.
Đại diện một doanh nghiệp gas cho biết chi phí thực hiện việc lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử sẽ là rất lớn do số lượng bình gas lưu thông trên thị trường lên đến hàng triệu bình. Vì vậy, để quản lý cụ thể, chi tiết từng thông tin bình gas như quy định sẽ lãng phí nguồn lực lớn của doanh nghiệp.
Vỹ An