Lợn hơi tăng giá từng ngày, có nơi đạt mức kỷ lục mới hơn 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong khi người chăn nuôi trong nước chưa kịp mừng, một số thương lái cho biết hiện lợn hơi Trung Quốc đã “ém biên” để “lùa cả đàn” sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch.
Những ngày vừa qua, nhiều chủ trang trại lợn ở phía Bắc đang nghe ngóng thông tin để quyết có xuất chuồng, vào đàn hay không, vì lợn hơi tăng giá từng ngày.
Tại “vựa” chăn nuôi lợn của thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên), thương lái lùng sục khắp nơi nhưng không có lợn thịt để mua.
Giá lợn hơi tại khu vực này hiện lên 49.000-50.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 5 và gấp đôi giá lợn so với thời điểm phải giải cứu năm 2017.
Chia sẻ trên Tiền Phong, anh Gia (thôn Đan Nhiễm, huyện Văn Giang), cho rằng 50.000 đồng/kg lợn hơi là mức giá “nằm mơ” của người nuôi lợn. Giá lợn lên cao, phần nào giúp người nuôi kéo lại phần thua lỗ năm trước, song, người dân lại không có nhiều lợn để bán. Ngoài ra, giá lợn giống cũng tăng từ 700.000 đồng/con hồi đầu năm nay lên 1,5 triệu đồng/con hiện nay.
Trong khi đó, tại một trung tâm chăn nuôi lợn khác của miền Bắc là xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), ông chủ trang trại Nguyễn Văn Chiểu cho biết giá lợn ở Ngọc Lũ đã trên 45.000-46.000 đồng/kg nhưng nguồn lợn rất ít. Theo ông Chiểu, sau khủng hoảng năm trước, khoảng 60% số hộ nuôi ở Ngọc Lũ đã bỏ nghề vì cạn vốn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thịt lợn đang khủng hoảng thiếu do nguồn cung giảm nhiều sau đợt khủng hoảng năm 2017 và có yếu tố tăng giá do tâm lý găm hàng chờ giá.
Theo ông Dương, hiện giá lợn thu mua tại trang trại, công ty lớn ở cả miền Bắc, miền Nam đang ở mức 45.000-46.000 đồng/kg. Mức giá này có thể duy trì trong một thời gian nữa, là cơ hội chăn nuôi tái đàn, đầu tư. Tuy nhiên, nếu vượt khung giá trên sẽ phát sinh bất ổn.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi lợn nên xuất chuồng khi lợn đạt cân nặng khoảng 100-120 kg/con, tránh tình trạng khan hiếm giả tạo, gây áp lực ảo cho thị trường. Đặc biệt là khi đã vào những tháng hè nắng nóng, nhu cầu thịt lợn giảm nhiều. Bên cạnh đó, việc vào đàn cũng cần tính toán kỹ lưỡng vì giá con giống đang cao, tránh vào ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu, giá lại rớt thê thảm.
“Trước mắt, bà con cũng không nên có ý định găm hàng chờ giá lên cao mới bán bởi rất có thể vừa tốn chi phí thức ăn mà chưa chắc đã bán được giá tốt như hiện tại”, VOV dẫn lời ông Dương.
Bên cạnh nỗi lo người chăn nuôi lợn găm hàng chờ giá hay vào đàn ồ ạt, nhiều ý kiến còn bày tỏ lo ngại giá lợn hơi tăng bất thường sẽ dẫn đến nguy cơ lợn hơi Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam.
Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhiều thương lái cho biết lợn hơi Trung Quốc đã “ém biên”, chuẩn bị “lùa cả đàn” sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Giá lợn hơi Trung Quốc hiện chỉ 36.000-37.000 đồng/kg. Giá này “mềm” hơn giá lợn hơi nội địa đang tăng như “lên đồng” thời gian qua, nên quy tắc “nước chảy chỗ trũng” sẽ khiến lợn Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết khả năng lợn Trung Quốc tràn vào Việt Nam hoàn toàn có khả năng xảy ra và tạo ra sự xáo trộn về thị trường, nhất là ở miền Bắc. Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng đã ngấp nghé lên 50.000 đồng/kg và lượng lợn nuôi trong dân không còn nhiều.
Tương tự, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho rằng do giá trong nước cao nên lợn các nước xung quanh có thể vào nước ta, trong đó có Trung Quốc, kể cả lợn sống và thịt lợn đông lạnh. Vì vậy, lãnh đạo Cục Chăn nuội khuyến cáo các địa phương biên giới cần tăng kiểm soát việc nhập khẩu tiểu ngạch để đề phòng nguy cơ bùng nổ dịch bệnh và đảo lộn thị trường.
Nguyễn Trang