Giá mía năm nay xuống thấp kỷ lục trong khi chi phí nhân công thu hoạch lại cao ngất ngưởng khiến người trồng mía rơi vào cảnh điêu đứng. Sau nhiều năm gắn bó, không ít nông dân muốn tìm cách “đào thoát” khỏi cây mía vì quá bấp bênh.
Theo Dân trí, vụ mía 2017-2018, Phú Yên có gần 26.000 ha mía, tập trung tại 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân.
Hiện nay đã gần cuối vụ ép nhưng tốc độ thu mua mía cho nông dân rất chậm. Hầu hết diện tích mía còn lại đã vượt thời kỳ thu hoạch từ 1-2 tháng. Với giá mía thấp nhất từ trước đến nay, khoảng 770.000 đồng/tấn, cộng thêm giá nhân công cao ngất ngưởng lại đi kèm nhiều chi phí khác nên nông dân đều rơi vào cảnh thua lỗ.
Ông Hoạt ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) trồng 5 ha mía nhưng hiện nhà máy mới thu mua được 1 ha, số mía còn lại đứng đám đang khô lá.
Theo ông Hoạt, nguyên nhân là do giá đường xuống thấp nên nhà máy chỉ ép cầm chừng. Tình trạng tiêu thụ chậm này khiến nông dân như ngồi trên đống lửa vì để mía khô lá không chỉ giảm trữ lượng đường mà còn phải tốn thêm hàng chục triệu tiền nước tưới.
Ông Lộc (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) cho biết nếu nông dân chính thức ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy mới được mức giá 770.000 đồng/tấn, còn không ký kết chỉ được 720.000 đồng/tấn. Đây là giá mà mía phải đạt 10CCS, nếu xuống 1CCS thì trừ đi 10%.
Bên cạnh đó, 10 tấn mía nông dân cũng bị nhà máy trừ mất gần 1 tấn gọi là tạp chất. Sau khi trừ các khoản, giá mía hiện nay chỉ tầm 650.000 đồng/tấn. Với giá này, đến 90% nông dân trồng mía cầm chắc thua lỗ.
Cùng chung cảnh ngộ giá mía rẻ như cho dẫn đến thua lỗ kéo dài, nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Bến Tre đã bắt đầu bỏ cây mía để chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng các loại cây trồng khác.
Chia sẻ trên Lao động, ông Thanh (xã Châu Bình, huyện giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết vụ mía 2017-2018 gia đình ông canh tác 1,2 ha mía và vừa mới thu hoạch được 80 tấn, bán cho thương lái với giá 550.000 đồng/tấn. Sau gần 1 năm chăm sóc, gia đình ông thua lỗ nặng do giá mía quá thấp.
Ông Thanh than thở, suốt mấy chục năm trồng mía, không có năm nào giá thấp như năm nay. Hiện tại, tiền thuê nhân công đốn, vận chuyển ra tới ghe cho thương lái gần bằng với tiền bán mía nên nông dân buộc phải chịu lỗ tiền mía giống, phân bón, công chăm sóc… Sau gần 40 năm gắn bó, gia đình ông quyết định bỏ cây mía để chuyển qua trồng cây khác vì bấp bênh quá.
Tương tự, tại vùng trồng mía huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), tình hình cũng không khả qua hơn. Không chỉ giá thấp, việc bán được mía cũng rất khó khăn. Đáng chú ý, dù có bán được vẫn lỗ tiền công chăm sóc, phân bón.
Bà Thắm (ở xã Đại Ân 1) cho biết gia đình bà mới thu hoạch được 35 tấn mía cây nhưng bán với giá rẻ như cho. Không những vậy, thương lái còn chê lên, chê xuống.
Hiện tiền thuê nhân công đốn mía, vận chuyển ra ghe là 400.000 đồng/tấn, trong khi đó bán được với giá có 530.000 đồng/tấn nên nông dân còn không được bao nhiêu tiền. Đó là chưa kể người trồng mía còn phải đầu tư công sức, tiền bạc gần cả năm mới có mía để thu hoạch.
“Năm sau tôi sẽ chuyển qua nuôi tôm hết, không trồng mía nữa”, bà Thắm quả quyết.
Theo thông kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bến Tre, năm 1997, diện tích mía của toàn tỉnh Bến Tre khoảng 15.000 ha và được đầu tư xây dựng nhà máy đường để tiêu thụ nguồn mía nguyên liệu trong dân.
Tuy nhiên, do giá mía nguyên liệu bấp bênh nên nông dân đã chuyển đổi dần sang cây trồng khác và diện tích trồng mía teo tóp dần. Nếu như vụ mía năm 2017, toàn tỉnh còn trồng khoảng 1.260 ha thì năm nay chỉ còn 750 ha và đang tiếp tục có xu hướng giảm dần theo từng năm.
Nguyễn Trang