Đại Kỷ Nguyên

Giải mã sức hấp dẫn đầy ám ảnh của phim câm ‘A Quiet Place’

Dù chẳng tìm thấy âm thanh nào dù là rất nhỏ, “Vùng đất câm lặng” vẫn đem đến cho người xem cảm giác gay cấn, ám ảnh đến ngộp thở bởi sự kinh hãi đến ngột ngạt trong một cuộc sống không tiếng động.

Với vốn đầu tư 17 triệu USD, “Vùng đất câm lặng” (Tựa gốc: A Quiet Place) của vợ chồng Emily Blunt – John Krasinski đã thu về 71 triệu USD chỉ sau 3 ngày công chiếu, đồng thời có điểm số cao ngất ngưởng trên các chuyên trang đánh giá phim. Điều gì đã tạo nên thành công vang dội cho bộ phim gần như không lời thoại này?

Nhắc đến phim kinh dị, người ta nghĩ ngay đến những hình ảnh rùng rợn, âm thanh man rợ, ánh sáng ma ảo…

Tuy nhiên, ở Vùng đất câm lặng, bạn gần như chẳng tìm thấy âm thanh, tiếng động huyền bí nào, dù là rất nhỏ. Bộ phim với điểm số 96% trên Rotten Tomatoes có sức lan tỏa đáng kinh ngạc khi dấy lên nỗi sợ hãi đến tột cùng cho người xem nhờ kịch bản độc đáo và đầy sáng tạo.

Giải mã sức hấp dẫn đầy ám ảnh của phim câm ‘A Quiet Place’

Im lặng tuyệt đối là nguyên tắc sống còn

Lấy bối cảnh thời kỳ hậu tận thế, Vùng đất câm lặng kể về một gia đình 4 người đang phải sống trong sự tĩnh lặng tuyệt đối nhằm thoát khỏi sự săn tìm của các sinh vật bí ẩn chuyên lần theo âm thanh, sau đó săn đuổi con mồi.

Để có thể sống sót, các thành viên đã lập ra và tuân theo nguyên tắc bất di bất dịch là không gây ra bất cứ một tiếng động nào:”Không im lặng thì chết”.

Dù chỉ là một tiếng thở dài, một bước chân đi hơi mạnh, cả gia đình Emily Blunt sẽ đứng trước nguy cơ bị kẻ thù lạ tìm ra và sát hại.
Emily Blunt – đạo diễn kiêm nữ chính trong phim.
Sinh con trong câm lặng – một trong những cảnh quay đầy ám ảnh trong phim. Thậm chí, thành viên mới của gia đình khi chào đời cũng không được phép khóc to.

Thay ngôn ngữ bằng những cử chỉ và ký hiệu

“Vùng đất câm lặng” đã đi trái ngược lại với xu hướng làm phim kinh dị ồn ào. Để tạo hiệu quả, hai nhà giám sát âm thanh nổi tiếng là Erik Aadahl và Ethan Van der Ryn được mời đến làm cố vấn.

Theo dõi phim, người xem kinh hãi bao nhiêu thì cũng xót xa bấy nhiêu trước số phận những đứa trẻ hồn nhiên, tuổi ăn tuổi chơi mà phải bắt buộc thích nghi và chấp nhận cuộc sống câm lặng đến ngộp thở.
Phim mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh thực sự lạ lẫm và lôi cuốn bởi gần như 100% lời thoại được thay thế bằng những ký hiệu và cử chỉ.

Tạo hình quái vật mới lạ, kích thích trí tò mò cùng nỗi sợ hãi cùng cực

Trong phim, yếu tố tĩnh lặng lại được đẩy lên cao trào từ phần kịch bản, âm thanh, cho tới tạo hình của loài quái vật bị mù nhưng vốn nhạy với tiếng động.

Giải mã sức hấp dẫn đầy ám ảnh của phim câm ‘A Quiet Place’
Khác với những con quái vật ghê rợn, sự nguy hiểm của sinh vật thần bí trong Vùng đất câm lặng gieo rắc nỗi sợ hãi từ tận sâu tâm can.

Vùng đất câm lặng được các chuyên gia đánh giá là bộ phim kinh dị đáng xem nhất năm 2018. Gần như không sử dụng thoại phim, không âm thanh, song phim vẫn khiến người xem nơm nớp lo sợ và ám ảnh khôn nguôi bởi không khí u ám cùng không gian hoàn toàn tĩnh mịch đến rợn người.

Những năm gần đây, làng điện ảnh Hollywood đang chứng minh sự đảo ngược tiến trình phát triển của màn ảnh rộng một cách thú vị.

Trước “A quiet place”, những bộ phim như “Wonderstruck”, “The Artist” hay “The Tribe”… đều thành công vang dội bằng lối làm phim bớt ầm ĩ và khoa trương hình thức.

Trong kỷ nguyên điện ảnh sử dụng kỹ xảo tối tân hiện nay, việc các bộ phim sử dụng ký hiệu thay cho lời nói đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng cho khán giả.

Điểm chung của các bộ phim này đều sử dụng rất ít lời nói, không hội thoại nhưng vẫn thu hút và truyền cảm đến lạ.

Sự thành công hiện nay của “Vùng đất câm lặng”, phải chăng đã đủ minh chứng cho một tuyên ngôn mới của thể loại kinh dị.

Khán giả Việt, đặc biệt là fans của thể loại phim kinh dị sẽ được đắm chìm vào mọi cung bậc cảm xúc và câu chuyện thót tim của “Vùng đất câm lặng” từ ngày 20/04 tới đây tại các rạp.

MinhHuệ

Exit mobile version