Bà Mạnh Vãn Châu, phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei vừa bị Canada bắt giữ hôm 1/12 và đang phải đối mặt với việc dẫn độ sang Mỹ.
Theo Reuters, bà Mạnh Vãn Châu, năm nay 46 tuổi, là con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei và hiện đang là phó chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm giám đốc tài chính của Huawei. Bà là người được dự đoán sẽ “kế vị” vị trí của cha mình là Nhậm Chính Phi trong tương lai. Bà Mạnh hiện sử dụng họ của mẹ nên không mang họ Nhậm của cha.
Ông Nhậm Chính Phi làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng, và là đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc từ năm 1958. Trong thời gian tại ngũ, ông được bầu là đại biểu của quân đội tham dự đại hội đảng toàn quốc. Sau khi rời quân ngũ, ông lập ra công ty Huawei vào năm 1987, và năm 2005 ông được Tạp chí Times xếp hạng là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Ông Nhậm đã tháp tùng chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Anh Quốc cuối năm 2015 và được các báo Hồng Kông cho là “người thường xuyên ra vào chốn cung đình” ở Bắc Kinh.
Bà Mạnh có bằng thạc sỹ đại học công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán. Việc làm đầu tiên của bà năm 1992 là ở Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc, nhưng chỉ một năm sau bà vào làm việc cho Huawei.
Năm 2003, Mạnh được trao nhiệm vụ thống nhất các bộ phận tài chính của Huawei trên toàn cầu và chuẩn hóa các thủ tục kế toán, IT.
Từ 2005, bà lãnh trách nhiệm lập ra 3 khối dịch vụ của Huawei trên toàn cầu, và hoàn tất trung tâm chi trả, thanh toán quốc tế của tập đoàn này tại Thâm Quyến.
Sang 2007, nhiệm vụ của Mạnh là chỉ đạo hệ thống tài chính tích hợp trong một dự án chung kéo dài 8 năm với IBM.
Là người kín đáo, bà không trả lời phỏng vấn gì từ lâu nay và ít ai biết về gia đình bà. Chỉ một lần, Mạnh Vãn Châu tiết lộ có con trai.
Huawei, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, đang bị các quan chức an ninh của Mỹ cáo buộc có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Các sản phẩm của Huawei bị nghi ngờ có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Huawei có 180.000 nhân viên trên toàn cầu và doanh thu đạt 47,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, dự kiến đạt doanh thu 92 tỷ USD trong cả năm nay.
Huawei có tham vọng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo (AI), cho tới sản xuất con chip, và thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Những bước tiến mạnh của Huawei trong lĩnh vực liên lạc di động tương lai đã khiến Mỹ lo ngại và trở thành một lý do cho những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ.
Vào năm 2016, giới chức Mỹ bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng Huawei và một số nhà cung cấp khác có thể lắp đặt “cửa sau” trong thiết bị để có thể theo dõi người dùng ở Mỹ. Huawei bác bỏ những cáo buộc này.
Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh cho dừng cung cấp thiết bị Huawei tại các căn cứ quân sự Mỹ với lý do an ninh. Best Buy, một trong những nhà bán lẻ hàng điện tử lớn nhất ở Mỹ, cũng đã dừng bán sản phẩm Huawei.
Tin Mạnh Vãn Châu bị bắt làm cổ phiếu của Huawei sụt giảm ngay lập tức, nhất là khi cuộc thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục là vấn đề lớn cho Bắc Kinh.
“Vụ bắt một thành viên gia đình của người sáng lập Huawei cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang nhanh chóng đến mức nào”, New York Times trích lời TJ Pempel, giáo sư khoa học chính trị tại đại học California nhận định.
Ông Ben Sasse, Thượng nghị sĩ bang Nebraska, ủy viên ủy ban quân lực và tài chính thượng Nghị viện Mỹ, đã lên tiếng ca ngợi hành động bắt giữ Mạnh Vãn Châu của phía Canada. Ông nói Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ và nói: “Phía sau một số hành vi xâm lược các nước khác của Trung Quốc, Bắc Kinh thường lấy các công ty tư nhân để núp bóng”.
Mai Hoa